Bộ Y tế cho biết, trong tháng 4 năm 2023, một số bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm đã ghi nhận số mắc gia tăng mạnh so với 3 tháng đầu năm như Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Hiện nay hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao). Bên cạnh đó, nhu cầu giao thương, du lịch của người dân sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn (nhất là trong thời gian nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày 30.04 - 01.05), gây nguy cơ cao lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày 30.04 - 01.05, không để dịch bùng phát, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị triển khai một số nội dung.
Thứ nhất, quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết 38 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật, đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 218 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Từ đó, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.
Triển khai hiệu quả Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 ban hành kèm Quyết định 1331. Chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.
Đồng thời, có phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trước, trong và sau thời gian nghỉ lễ; tổ chức thường trực phòng chống dịch tại tất cả các tuyến, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể.
Thứ hai, chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Báo cáo kịp thời và triển khai ngay các biện pháp ứng phó khi dịch có nguy cơ bùng phát trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus. Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,...).
Thứ ba, tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K ( khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Thứ tư, huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao như nhóm người cao tuổi, nhóm di biến động, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai.
Thứ năm, chú trọng công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện, xử lý kịp thời các vi phạm, biểu dương, khen thưởng kịp thời để động viên cán bộ y tế, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ tính riêng 1 tuần qua (từ ngày 21.4 đến 27.4), cả nước đã phát hiện gần 16.700 ca Covid-19. Nếu so sánh với tuần đầu tiên của tháng 4 (từ 1.4 đến 7.4) khi cả tuần chỉ ghi nhận 278 ca mới, số mắc trong tuần qua đã tăng gấp 60 lần.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã phát hiện tổng số 11.554.875 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.771 ca nhiễm).