Nhiều mô hình, hoạt động văn hóa hiệu quả
Ngày 13.7.2023, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”. Điều này thể hiện sự quan tâm kịp thời, trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, là động lực để văn hóa phát triển đồng bộ, có chiều sâu.
Kết quả từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: toàn tỉnh hiện có 86.374 hộ gia đình văn hóa, đạt 93,28%; 12.372 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu (chiếm 6,63%); 521/525 ấp, khu vực văn hóa đạt 99,23%; 58.824 cá nhân “Người tốt việc tốt”, 5.234 cá nhân “Người tốt việc tốt tiêu biểu”; 41/51 xã văn hóa nông thôn mới, đạt 80,39%; 21/24 phường, thị trấn văn minh đô thị, trong đó có 2 đơn vị đạt chuẩn văn minh đô thị nâng cao, 514/525 ấp, khu vực có nhà văn hóa; hệ thống thư viện đã được kiện toàn với thư viện tỉnh, 8 thư viện cấp huyện và 100% phòng đọc sách cấp xã được nâng cấp lên thư viện xã, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân.
Từng danh hiệu, gương người tốt, việc tốt mỗi năm thêm cao. Hệ thống trung tâm văn hóa được hoàn thiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, bảo đảm công tác tuyên truyền đến với người dân bằng nhiều hình thức: tuyên truyền miệng, trực quan, sân khấu hóa. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lê Thành Vĩnh, hàng năm qua hoạt động tuyên truyền cổ động, nghệ thuật quần chúng, các câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật đã lan tỏa sâu rộng đến người dân nhiều thông tin cần thiết, bổ ích, triển khai kịp thời nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương.
Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh được tạo mọi điều kiện phát huy sáng tạo, kịp thời phản ánh sự phát triển của tỉnh bằng những tác phẩm nghệ thuật. Toàn tỉnh có trên 170 văn nghệ sĩ, sinh hoạt ở 10 phân hội chuyên ngành, 85 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng với các chuyên đề ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất và con người Hậu Giang, các chuyên đề dân gian, tạo không khí vui tươi lành mạnh trong cộng đồng dân cư, cổ vũ cho hoạt động sáng tác và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng… Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp, hoạt động được duy trì thường xuyên đã đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và cộng đồng.
Cùng với đó, tỉnh cũng đang từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư cho các sản phẩm văn hóa và hình thành lĩnh vực công nghiệp văn hóa; quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Hậu Giang trên cổng thông tin của tỉnh, các website quảng bá các địa điểm du lịch, nhất là xây dựng các thương hiệu sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng văn hóa của người dân Hậu Giang, qua đó tạo điều kiện để bạn bè gần xa hiểu hơn về văn hóa, con người Hậu Giang. Các hoạt động văn hóa thường xuyên được tổ chức như: giải chạy bộ Mekong Delta Marathon, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival áo bà ba và các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm 15 năm, 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang,… đã đóng góp tích cực vào sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương.
Để con người thành nguồn lực nội sinh
Nghị quyết số 15-NQ/TU mở ra nhiều cơ hội để tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, hướng đến mục tiêu xây dựng con người Hậu Giang thời kỳ mới, phát triển, hội nhập. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt và gắn kết chặt chẽ các nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu. Các nhiệm vụ trên sẽ gắn với những giá trị chuẩn mực phù hợp, giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, gắn với quốc gia, dân tộc, mang đặc trưng yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, năng động, bản lĩnh, trí tuệ.
Để đạt được các mục tiêu trên, Hậu Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là gắn với phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. Định hướng một số ngành công nghiệp văn hóa trọng tâm và một số sản phẩm văn hóa mang đặc trưng của Hậu Giang gắn với các điểm du lịch của tỉnh. Hoàn thành quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa mỗi năm tăng 20% so với mức chi hiện tại.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu đã đề ra, nhưng với khát vọng trở thành địa phương phát triển trong tốp đầu của khu vực và cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang sẽ nỗ lực hết mình, trở thành nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.