Cơ quan phụ trách bầu cử

Văn phòng Bầu cử Canada: Độc lập và trung lập

- Thứ Sáu, 26/09/2014, 08:47 - Bản đầy đủ
Cơ quan phụ trách bầu cử quốc gia ở Canada là Văn phòng bầu cử Canada, với người đứng đầu là Tổng giám đốc, có nhiệm vụ tổ chức, giám sát các cuộc bầu cử, tổ chức trưng cầu dân ý và các khía cạnh quan trọng khác của hệ thống bầu cử Canada. Văn phòng bầu cử và người đứng đầu theo mô hình của Canada có vị trí độc lập với Chính phủ và với các đảng phái chính trị.

Để bảo đảm tính khách quan trong hoạt động của Văn phòng bầu cử, Tổng Giám đốc, các quan chức và nhân viên của cơ quan này không tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử.
Văn phòng bầu cử Canada gồm Tổng giám đốc, các giám đốc, ủy viên và các nhân viên. Tổng giám đốc bầu cử là người có thẩm quyền cao nhất trong công tác bầu cử, chịu trách nhiệm về tất cả các khía cạnh của quản lý bầu cử. Tổng giám đốc bầu cử được bổ nhiệm bởi một nghị quyết của Hạ viện theo nhiệm kỳ 7 năm, cấp thứ trưởng và báo cáo trực tiếp công việc với Hạ viện. Trong thời gian giữ cương vị này, Tổng giám đốc bầu cử không được kiêm nhiệm các công việc khác. Tổng Giám đốc phục vụ cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 65 hoặc từ chức. Tổng giám đốc chỉ bị bãi nhiệm khi đa số phiếu của Hạ viện và Thượng viện tán thành trên cơ sở đề nghị của Toàn quyền (đại diện của Nữ hoàng Anh tại Canada).


Tổng giám đốc bầu cử có trách nhiệm: Chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các cuộc tổng tuyển cử; bảo đảm tất cả cán bộ bầu cử hành động với sự công bằng, không thiên vị và phù hợp với Luật bầu cử; phát hành cho cán bộ bầu cử các hướng dẫn công tác bầu cử; thực hiện các quyền, nhiệm vụ và chức năng khác theo quy định của Luật bầu cử. Hỗ trợ Tổng giám đốc bầu cử trong việc thực hiện nhiệm vụ có các Phó tổng giám bầu cử, các Ủy viên bầu cử. 

Để thực hiện các công việc hành chính liên quan đến chuẩn bị cho các sự kiện và hoạt động bầu cử, Văn phòng bầu cử Canada đã hình thành một cấu trúc gồm 6 lĩnh vực: Công tác văn phòng; Sự kiện bầu cử; Dịch vụ tích hợp, chính sách, và các vấn đề công cộng; Dịch vụ pháp lý, khiếu nại và điều tra; Tài chính chính trị; và nguồn nhân lực. Mỗi lĩnh vực tổ chức thực hiện các vai trò và trách nhiệm cụ thể theo phân công của Tổng giám đốc. Bộ máy Văn phòng giúp Tổng giám đốc và các giám đốc bầu cử thực hiện nhiệm vụ của mình có khoảng 500 nhân viên làm việc tại Thủ đô Ottawa. Các nhân viên được lựa chọn cạnh tranh và do Tổng thư ký Quốc hội bổ nhiệm. Ngoài ra, Tổng giám đốc bầu cử Canada được sử dụng các nhân viên làm việc thường xuyên hoặc tạm thời theo thời vụ.

Cơ quan bầu cử Canada có các nhiệm vụ cơ bản sau: thi hành pháp luật bầu cử; tổ chức đăng ký các đảng chính trị và các bên thứ ba tham gia vào quảng cáo bầu cử cũng như các hiệp hội khu vực bầu cử; duy trì đăng ký trên toàn quốc danh sách cử tri; chỉ định cán bộ và cung cấp các hướng dẫn tới 308 đơn vị bầu cử; quản lý việc đóng góp ngân sách cho các ứng cử viên, các đảng chính trị; kiểm tra và công bố lợi nhuận tài chính của họ; quản lý việc chi tiêu ngân sách trong bầu cử quy định trong Đạo luật; bảo đảm quyền truy cập vào hệ thống cho tất cả các công dân đủ điều kiện, thông qua cả hai cơ sở vật chất và giáo dục cộng đồng và các chương trình thông tin; cung cấp hỗ trợ pháp lý, kỹ thuật, tài chính và hành chính cho đơn vị chịu trách nhiệm về định kỳ điều chỉnh ranh giới các đơn vị bầu cử liên bang, để bảo đảm tính đại diện phù hợp theo quy định của luật; nghiên cứu để đổi mới công tác bầu cử; giám sát bầu cử và việc thực thi pháp luật về bầu cử; điều chỉnh các khu vực, đơn vị bầu cử sau mỗi lần điều tra dân số 10 năm một lần.

Theo tài liệu của Thư viện Quốc hội

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP