Kỳ họp Lưỡng Hội Trung Quốc

Sự kiện chính trị lớn nhất trong năm

- Chủ Nhật, 07/04/2024, 07:09 - Chia sẻ

Người Trung Quốc có câu: “Nhất niên chi kế tại ư xuân” (Kế hoạch một năm được lập vào mùa Xuân) và đây cũng chính là mục đích của Lưỡng Hội - sự kiện chính trị lớn nhất trong năm của Trung Quốc. Được tổ chức riêng biệt nhưng cùng thời điểm, Lưỡng Hội - có nghĩa là “hai phiên họp”, bao gồm phiên họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (cơ quan lập pháp tối cao) và Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân (cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước), là dịp để các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những chính sách và kế hoạch lớn trong năm.

Nhân đại Toàn quốc

Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại toàn quốc, tức Quốc hội) là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo quy định của Hiến pháp, Nhân đại Toàn quốc có tối đa 3.000 đại biểu - là cơ quan lập pháp có số đại biểu lớn nhất thế giới, được bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm thông qua một hệ thống bầu cử nhiều cấp. Các đại biểu được các Đại hội Đại biểu cấp tỉnh bầu ra, các đại hội cấp tỉnh này lại được cấp dưới tỉnh bầu ra, cứ như thế cho đến cấp hành chính thấp nhất do người dân bầu cử trực tiếp.

Nhân đại toàn quốc Khóa XIV hiện có 2.977 đại biểu đại diện cho các tỉnh, thành phố, khu tự trị (bao gồm cả Hong Kong và Ma Cao), thành phố tự trị và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Các đại biểu Nhân đại toàn quốc sẽ bỏ phiếu thông qua luật, thay đổi nhân sự và duyệt ngân sách của Chính phủ.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp Khóa XIV tại Đại Lễ đường Nhân dân, Thủ đô Bắc Kinh ngày 4.3. Ảnh: Tân Hoa Xã
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp Khóa XIV tại Đại Lễ đường Nhân dân, Thủ đô Bắc Kinh ngày 4.3. Nguồn: Tân Hoa Xã

Nhân đại toàn quốc tiến hành các phiên họp thường niên vào mỗi mùa Xuân, thường kéo dài từ 10 - 14 ngày tại Đại lễ đường Nhân dân, phía Tây Quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh. Các cuộc họp thường niên của Nhân đại toàn quốc là dịp để xem xét, đánh giá những chính sách đã ban hành, triển khai; đồng thời thảo luận những kế hoạch sắp tới cho quốc gia.

Kỳ họp thứ 2 Nhân đại toàn quốc Khóa XIV khai mạc tại Bắc Kinh ngày 5.3.2024 và bế mạc vào chiều 11.3.2024 sau một tuần làm việc.

Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân

Theo trang web chính thức, Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC - còn gọi là Chính hiệp) là tổ chức mặt trận thống nhất yêu nước của nhân dân Trung Quốc, là cơ chế then chốt cho hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Là cơ quan tư vấn chính trị quốc gia duy nhất của Trung Quốc, đây là một kênh quan trọng cho nền dân chủ tư vấn xã hội chủ nghĩa, một thành phần quan trọng của hệ thống quản lý quốc gia và là một thể chế được thiết kế mang đặc sắc Trung Quốc.

Tổ chức của Chính hiệp gồm Ủy ban toàn quốc và các ủy ban địa phương với chức năng chính là tham vấn chính trị, giám sát dân chủ, tham gia và thảo luận các vấn đề của đất nước.

Mối quan hệ giữa Chính hiệp, Quốc hội và Chính phủ là Chính hiệp tiến hành hiệp thương trước khi vạch quyết sách, Quốc hội đưa ra quyết sách sau khi hiệp thương, Chính phủ là người thực hiện quyết sách, ba cơ quan này thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, phân công và hợp tác, thực hiện nhiệm vụ.

Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc là cơ quan hiệp thương và tham vấn cao nhất của Trung Quốc. Nhiệm kỳ của Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp là 5 năm, mỗi năm họp hội nghị toàn thể một lần. Hội nghị toàn thể thứ hai của Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp lần thứ XIV diễn ra từ ngày 4 - 10.3.2024.

Tại sao Lưỡng Hội quan trọng?

Hai cuộc họp của Nhân đại toàn quốc và Chính hiệp tuy được tổ chức riêng biệt nhưng cùng thời điểm nên được gọi là Lưỡng Hội. Như đã nói, đây đều là hai cơ quan quan trọng hàng đầu trong bộ máy chính trị nên cuộc họp thường niên của hai cơ quan đặc biệt quan trọng. Sự kiện thu hút sự chú ý cả trong và ngoài nước vì đây là dịp Trung Quốc cung cấp cái nhìn sâu sắc và tổng quát về sự phát triển, bao gồm nhiều lĩnh vực từ pháp luật, kinh tế và chính sách. Các phiên họp, đặc biệt là phiên họp của Nhân đại toàn quốc sẽ là dịp để Chính phủ công bố các mục tiêu và ưu tiên quan trọng.

Thời điểm diễn ra Lưỡng Hội năm nay có gì đặc biệt?

Lưỡng Hội năm nay diễn ra vào thời điểm đặc biệt: tổng kết năm 2023 - là năm đầu tiên thực hiện toàn diện tinh thần Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, và là năm đầu tiên Chính phủ Trung Quốc nhiệm kỳ này thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Đây cũng là thời điểm một năm sau khi Trung Quốc dỡ bỏ những hạn chế áp đặt do dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên họp khẳng định, bất chấp những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, chẳng hạn như GDP của Trung Quốc vượt 126.000 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tăng 5,2%; sản lượng lương thực đạt hơn 650 triệu tấn, một mức cao kỷ lục; các ưu đãi thuế mới trong năm đạt hơn 2.200 tỷ NDT.

Về an sinh xã hội, Trung Quốc đã tạo thêm 12,44 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị trong năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này ở mức trung bình là 5,2%; thu nhập khả dụng bình quân đầu người tăng 6,1%, thu nhập của người dân nông thôn tăng 8,4%; tiêu chuẩn khấu trừ thuế thu nhập cá nhân bổ sung đặc biệt cho “một người già và một trẻ nhỏ” đã được nâng lên, mang lại lợi ích cho hơn 66 triệu người nộp thuế.

Trong khi đó, 2024 là năm đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là năm bản lề để đạt được các mục tiêu cũng như những nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) của Trung Quốc.

Lộ trình phát triển kinh tế của Trung Quốc được vạch ra trong kỳ Lưỡng Hội là nội dung được quan tâm lớn nhất vì có tác động rất sâu rộng trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu hiện nay. Một loạt chủ đề kinh tế được đặt ra trong chương trình nghị sự của kỳ họp, bao gồm mục tiêu tăng trưởng GDP, tỷ lệ thâm hụt trên GDP, chính sách tài chính và tiền tệ cũng như việc làm.

Nhân đại Toàn quốc đã thông qua 6 dự thảo Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về Báo cáo công tác Chính phủ và một dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Quốc vụ viện. Đáng chú ý, Luật Tổ chức Quốc vụ viện sửa đổi trao thêm nhiều quyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trong kiểm soát hành pháp, duy trì quyền lực của Trung ương Đảng với lãnh đạo tập trung và thống nhất.

4 trong số 10 nhiệm vụ lớn nhất của Chính phủ năm nay là phát triển lực lượng sản xuất mới, chấn hưng đất nước, phát triển các động lực trong nước và mở rộng cửa với thế giới bên ngoài.

Quốc Đạt
#