Liên minh châu Âu

Bổ sung quy tắc mới

- Chủ Nhật, 10/06/2018, 09:23 - Bản đầy đủ
Tháng 4 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các quy tắc mới nhằm bảo vệ tốt hơn “người thổi còi” tại khối liên minh lá cờ xanh.

Thực tế, nếu tính trên bình diện từng quốc gia riêng lẻ, hệ thống pháp luật của nhiều nước thành viên EU từ lâu đã chú trọng bảo vệ người tố giác như là một nỗ lực chống nạn tham nhũng. Chẳng hạn, để ngăn chặn tình trạng trù dập người tố cáo tham nhũng, Hà Lan chấp thuận các quy định bảo vệ công chức từ năm 2001, xây dựng đạo đức công vụ và cơ quan liêm chính năm 2006, mở rộng Văn phòng Thanh tra Nhà nước năm 2011 và khai trương Trung tâm Tư vấn tố cáo năm 2012. Trong khi đó, năm 2004, Romania là quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông qua luật riêng bảo vệ người tố cáo là nhân viên chính phủ khỏi sự trả thù. Thậm chí, ngay từ năm 1766, Thụy Điển đã có những quy định được coi như luật tự do thông tin đầu tiên trên thế giới, theo đó hình thành cơ sở cho một khuôn khổ pháp lý phức tạp bảo vệ những người tiếp xúc với hành vi sai trái. Nhìn tiếp ra châu Âu, Anh, Pháp, Hungary, Ireland, Italy, Litva, Malta, Hà Lan, Slovakia, Thụy Điển được coi là những quốc gia có luật pháp bảo vệ người tố cáo toàn diện.

Tuy nhiên, đề xuất trên của EC được thúc đẩy trong bối cảnh nhiều người chỉ trích việc bảo vệ người tố cáo còn lỏng lẻo trong hệ thống pháp luật chung của EU. Trong khi đó, những vụ bê bối gần đây như Dieselgate, Luxleaks, Hồ sơ Panama hay Cambridge Analytica đã cho thấy, người tố giác có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các hoạt động bất hợp pháp làm tổn hại lợi ích cộng đồng, người dân và xã hội.


Bảo vệ người tố cáo ở châu Âu     
Nguồn: wemove.eu

Đề xuất yêu cầu các công ty có hơn 50 nhân viên hoặc doanh thu hàng năm trên 10 triệu euro phải thành lập kênh nội bộ xử lý các báo cáo của người tố giác. Tất cả các tiểu bang, chính quyền khu vực và đô thị với hơn 10.000 dân cũng phải thực hiện tương tự.

Các cơ chế bảo vệ phải bao gồm các kênh báo cáo rõ ràng, trong và ngoài cơ quan/tổ chức, bảo đảm tính bảo mật. Hệ thống báo cáo ba cấp được xây dựng gồm: Kênh báo cáo nội bộ; kênh báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp kênh nội bộ không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả; kênh báo cáo công khai tới các phương tiện truyền thông nếu như các kênh báo cáo khác không phát huy tác dụng hoặc trong trường hợp tình trạng nguy cấp sắp xảy ra, gây thiệt hại không thể tránh khỏi.

Ủy ban châu Âu cũng muốn quy định nghĩa vụ phản hồi bắt buộc đối với các nhà chức trách và các công ty. Họ sẽ phải trả lời và theo dõi các báo cáo của người tố cáo trong vòng 3 tháng đối với các kênh báo cáo nội bộ. Tất cả các hình thức trả thù đều bị cấm và bị xử phạt. Nếu một người tố giác bị trả đũa, họ cần được tư vấn miễn phí và bồi thường đầy đủ (ví dụ như các biện pháp ngăn chặn quấy rối nơi làm việc hoặc sa thải). Trong trường hợp như vậy, người hoặc tổ chức bị tố giác phải có bằng chứng mình không có hành động trả đũa. Ngoài ra, người tố giác cũng sẽ được bảo vệ trong thủ tục tố tụng tư pháp, đặc biệt thông qua miễn trách nhiệm pháp lý khi tiết lộ thông tin.

Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho biết, các quy định được đề xuất sẽ bảo vệ những người vạch trần hoạt động bất hợp pháp trong mua sắm công, dịch vụ tài chính, rửa tiền, an toàn hạt nhân, an toàn thực phẩm, bảo mật và bảo vệ dữ liệu... Đề xuất trên vẫn cần được sự chấp thuận của các chính phủ EU và Nghị viện châu Âu trước khi trở thành luật. Quá trình này thường mất 18 - 24 tháng nhưng dự luật được mong muốn thông qua trước cuộc bầu cử châu Âu vào năm tới.

Thái Anh

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP