AIPA và sứ mệnh hội nhập

- Chủ Nhật, 04/08/2019, 09:00 - Bản đầy đủ
Mở đầu Quy chế Hội đồng liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) đã công nhận rằng, các vấn đề của thế giới đang ngày càng nhiều thêm cả về quy mô lẫn bản chất phức tạp. Do đó AIPA càng có khao khát thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác lẫn nhau về những vấn đề có sức ảnh hưởng đến Đông Nam Á để thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Củng cố trụ cột lập pháp

AIPA được thành lập ngày 2.9.1977, đúng 10 năm sau khi ASEAN được hình thành. Ban đầu, nó có tên là Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO). Tuy nhiên đến phiên bế mạc của AIPO 27, diễn ra ở Cebu, Philippines ngày 14.9.2006, AIPO chính thức đổi tên thành AIPA.

Cùng với việc đổi tên, AIPO 27 đã bổ sung các điều lệ mới về tổ chức. AIPO có một Tổng Thư ký chuyên trách có nhiệm kỳ 3 năm, Ban Chấp hành và các uỷ ban chuyên đề như Uỷ ban Phụ nữ, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Chính trị, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức... Đối với nghị quyết do AIPO đưa ra, Nghị viện các nước bắt buộc phải phổ biến tới các Nghị viện và Chính phủ của mình, đồng thời Nghị viện các nước thành viên có trách nhiệm báo cáo với AIPO việc các nghị quyết của AIPO đã và đang được thực hiện như thế nào. Chủ tịch AIPO và chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN sẽ tham dự các hoạt động lớn của nhau…Đây là những thay đổi nhằm tiến tới xây dựng khu vực Đông Nam Á thành một cộng đồng chung quan tâm và chia sẻ, hoạt động có hiệu quả và thực chất hơn trên hai trụ cột lập pháp và hành pháp.

Trải qua hơn 30 năm hoạt động, AIPA đã không ngừng được củng cố và phát triển. Hiện nay, AIPA có 10 Nghị viện thành viên gồm Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Myanmar.

Ngay từ khi các quốc gia ASEAN thông qua Hiến chương ASEAN và nỗ lực thúc đẩy quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN hồi năm 2015, AIPA đã có nhiều đóng góp tích cực cho tiến trình hội nhập, đoàn kết khu vực và hỗ trợ ASEAN trong việc hài hòa hệ thống pháp luật, thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên. Ngày 4.8.2009, Đại hội đồng AIPA lần thứ 30 đã được tổ chức tại Pattaya, Thái Lan. Đây là kỳ họp thường niên đầu tiên của AIPA sau khi các nước thành viên ASEAN phê chuẩn Hiến chương ASEAN (Hiến chương có hiệu lực từ tháng 12.2008). Khai mạc đúng vào thời điểm tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, Đại hội đồng AIPA - 30 lúc đó đã chú trọng thảo luận về các nội dung liên quan đến chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại và hợp tác trong khu vực Đông Nam Á; vai trò và đóng góp của AIPA trong việc thực hiện Hiến chương ASEAN; hội nhập kinh tế khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên; xây dựng bản sắc ASEAN...

Trong vài thập kỷ hoạt động, AIPA đã ban hành hàng trăm nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm chung của các nước ASEAN. Phạm vi về các vấn đề mà AIPA quan tâm thúc đẩy rất đa dạng, từ toàn cầu hóa, đến bảo đảm hòa bình, ổn định nhưng mục tiêu tăng cường hội nhập ASEAN vẫn luôn giữ vị trí quan trọng đặc biệt. Thực tế, thông qua các kỳ họp của mình, AIPA đã thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác giữa các thể chế liên Chính phủ và liên Nghị viện ở Đông Nam Á.

Hội nhập ASEAN được ghi trong Quy chế AIPA

Thực tế, vai trò của AIPA trong quá trình hội nhập ASEAN đã được ghi rõ trong quy chế của liên minh Nghị viện này.

Chẳng hạn, Điều 3 của Quy chế AIPA ngoài việc đề cao việc đẩy mạnh tình đoàn kết, sự hiểu biết, quan hệ hợp tác và mối quan hệ khăng khít giữa các Nghị viện thành viên của các quốc gia ASEAN, các Nghị viện và các tổ chức Nghị viện khác trên thế giới, còn tạo thuận lợi cho việc đạt được các mục tiêu của ASEAN đã được đề ra trong Tuyên bố ASEAN tại Bangkok, Thái Lan vào năm 1967 cũng như trong Tầm nhìn ASEAN 2020, vốn đã đưa vào Hiệp ước Bali II năm 2003 để dẫn đến việc hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-xã hội.

AIPA đã xác định vai trò của mình là sẽ thiết lập và duy trì trao đổi, phổ biến thông tin cũng như phối hợp, tương tác và tư vấn với ASEAN để các Nghị viện khu vực có những đóng góp đáng kể vào hội nhập ASEAN thông qua các chính sách nhằm mục đích hiện thực hóa cộng đồng của khu vực. Theo Quy chế, Hiệp hội Liên Nghị viện của các quốc gia Đông Nam Á cũng nghiên cứu, bàn bạc và gợi ý các biện pháp cho những vấn đề có lợi ích chung và bày tỏ quan điểm về những chủ đề nhằm mục đích mang đến những hành động và phản ứng kịp thời từ các thành viên của AIPA. Từ đó, thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của quyền con người, dân chủ, hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho ASEAN.

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP