ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu
Ban Công tác đại biểu là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện các chức năng khác theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu
1. Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp:
a) Chủ trì tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
b) Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
- Trình Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội; quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia;
- Chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương; dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; quy định bộ máy giúp việc Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tiếp nhận từ Hội đồng bầu cử quốc gia biên bản tổng kết, hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội;
c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
- Ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về bầu cử theo thẩm quyền;
- Tiếp nhận từ Hội đồng bầu cử quốc gia hồ sơ về khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội chưa được giải quyết để giải quyết hoặc xử lý theo quy định;
- Tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác về bầu cử thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội:
a) Chủ trì tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến về nhân sự giữ chức vụ Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
- Phê chuẩn kết quả bầu và việc cho thôi làm Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội; quyết định việc chuyển sinh hoạt Đoàn của đại biểu Quốc hội;
- Xem xét, quyết định việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu trong thời gian Quốc hội không họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất hoặc báo cáo để Quốc hội quyết định trong thời gian Quốc hội họp;
- Xem xét, quyết định về việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, người trúng cử đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp hoặc báo cáo để Quốc hội quyết định trong thời gian Quốc hội họp;
- Xem xét, quyết định đối vớiđề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải người làm việc là đại biểu Quốc hội tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; việc tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; việc đưa ra để Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội;
- Hướng dẫn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội;
- Quy định tên kỷ niệm chương, đối tượng, tiêu chuẩn tặng kỷ niệm chương và tổ chức thực hiện việc tặng kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét, cho ý kiến về việc đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội, cán bộ và nguyên cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận hình thức khen thưởng của cá nhân, tổ chức nước ngoài và các cơ quan, tổ chức quốc tế;
- Quy định, hướng dẫn về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội; ban hành cơ chế chính sách sử dụng chuyên gia trong hoạt động của Quốc hội;
- Thành lập đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về địa phương để xem xét các vấn đề mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu;
c) Chủ trì thực hiện:
- Tổ chức quản lý hồ sơ và các tài liệu liên quan đến đại biểu Quốc hội;
- Tổng hợp, báo cáo về tình hình thay đổi số lượng đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ.
3. Đối với công tác tổ chức bộ máy,nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
a) Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
- Trình Quốc hội bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;
- Quy định và tổ chức thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách;
- Quy định việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Xem xét, cho ý kiến về việc đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, nguyên cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng lập hội, tham gia ban vận động thành lập hội hoặc đứng đầu hội, các tổ chức quốc tế theo quy định;
b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
- Tổng hợp đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội để tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Ủy ban của Quốc hội;
- Trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập Ủy ban lâm thời;
- Thực hiện việc theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương;
- Theo dõi, thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện thủ tục và bảo đảm chế độ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghỉ hưu hoặc chuyển công tác;
- Thực hiện công tác quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và quy hoạch các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là đại biểu Quốc hội;
- Quyết định thành lập đoàn đi công tác nước ngoài của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trừ công chức đi theo giúp việc đoàn do Văn phòng Quốc hội quyết định); việc tham gia đoàn đi công tác nước ngoài của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là đại biểu Quốc hội;
- Thành lập, giải thể, quy định tổ chức và hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam và các tổ chức khác của đại biểu Quốc hội;
c) Chủ trì thực hiện:
- Xây dựng đề án thành lập, giải thể, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; tổng hợp, tham mưu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tham mưu, giúp việc Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và số lượng, chức danh, biên chế, vị trí việc làm của công chức, viên chức thuộc các cơ quan này khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công;
- Tổ chức quản lý hồ sơ cán bộ và các tài liệu liên quan đến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là đại biểu Quốc hội theo phân cấp quản lý cán bộ;
- Đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;
- Các nhiệm vụ về bảo vệ chính trị nội bộ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
4. Đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân:
a) Chủ trì tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến về nhân sự giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
b) Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
- Ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; theo dõi, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; xem xét báo cáo kết quảhoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
- Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; xử lý kỷ luật theo quy định đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã nghỉ việc, nghỉ hưu;
- Tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hằng năm, sơ kết giữa nhiệm kỳ và tổng kết nhiệm kỳ; Hội nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo đặc điểm đơn vị hành chính, theo chuyên đề; hội nghị khác của Hội đồng nhân dân theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
- Cho ý kiến về việc tổ chức các hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân theo khu vực; tham dự và chỉ đạo tại hội nghị;
- Xem xét, quyết định việc giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
5. Đối với công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử:
a) Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
- Ban hành kế hoạch, quyết định khung chương trình, đề án bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cả nhiệm kỳ và từng năm; hằng năm sửa đổi, bổ sung, cập nhật nội dung bồi dưỡng phù hợp với hoạt động của Quốc hội; dự kiến danh sách báo cáo viên theo khung chương trình bồi dưỡng; ban hành Nghị quyết và các văn bản về bồi dưỡng đại biểu dân cử;
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động đối với đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Quốc hội, người được quy hoạch làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách;
- Quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là đại biểu Quốc hội;
b) Chủ trì thực hiện:
- Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử hằng năm.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu; biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;
c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan:
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động đối với đại biểu Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
6. Giúp Chủ tịch Quốc hội giữ mối liên hệ với các đại biểu Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp công tác với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức hữu quan về các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu.
7. Chủ trì soạn thảo hoặc phối hợp với cơ quan hữu quan soạn thảo pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về các vấn đề thuộc lĩnh vực Ban Công tác đại biểu phụ trách theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện tổ chức bộ máy của Quốc hội khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.
8. Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế và các nhiệm vụ khác do Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội phân công.
Điều 3. Tổ chức của Ban Công tác đại biểu
1. Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu gồm Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban do Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
2. Trưởng Ban Công tác đại biểu là người chịu trách nhiệm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu. Trưởng Ban Công tác đại biểu có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức quản lý và chỉ đạo điều hành hoạt động của Ban Công tác đại biểu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này;
b) Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; giữ mối quan hệ với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực cácỦy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu;
c) Phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quy định tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị trực tiếp giúp việc Ban Công tác đại biểu;
d) Trao đổi, thống nhất với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về việc tuyển dụng, điều động, biệt phái, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá xếp loại, thi đua, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức; việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của đơn vị trực tiếp giúp việc Ban Công tác đại biểu trước khi Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ra quyết định;
đ) Tổ chức thực hiện công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Ban Công tác đại biểu;
e) Quyết định việc sử dụng kinh phí đã được phân bổ cho Ban Công tác đại biểu;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội phân công.
3. Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu giúp Trưởng Ban Công tác đại biểu thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban Công tác đại biểu. Khi Trưởng Ban Công tác đại biểu vắng mặt thì một Phó Trưởng Ban được Trưởng Ban ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Công tác đại biểu.
Điều 4. Các điều kiện bảo đảm hoạt động của Ban Công tác đại biểu
1. Tham mưu, giúp việc cho Ban Công tác đại biểu là các vụ, cục, đơn vị thuộcVăn phòng Quốc hội, trực tiếp là Vụ Công tác đại biểu và Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử.
2. Ban Công tác đại biểu có con dấu theo quy định của pháp luật.
3. Kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động của Ban Công tác đại biểu do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.
Điều 5. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2022.
2. Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
___________
Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2022.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Vương Đình Huệ