Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban chỉ đạo;Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)Phạm Tấn Công chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ươngTrần Tuấn Anhnêu rõ: Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ươngTrần Tuấn Anhkhẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ươngTrần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu, đặc biệt là các doanh nhân, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tập trung làm rõ một số nội dung như: Các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 09-NQ/TW; việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết; kết quả thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ của nghị quyết; vai trò của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy quá trình CNH-HĐH và hội nhập kinh tế ở Việt Nam; đâu là những cơ hội và thách thức cho việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Báo cáo tóm tắt tình hình xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh Việt Nam giai đoạn 2011-2021 tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Côngcho biết, Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay.
Với sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Về số lượng, hiện nay đã có hàng triệu doanh nhân, trong đó đã có 7 tỷ phú. Về chất lượng cũng ngày càng được cải thiện. Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của VCCI về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân: Trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, khi có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sỹ/tiến sỹ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học.
Với việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khai thác, sử dụng các nguồn lực, phát triển lực lượng sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của thị trường trong nước và thế giới, doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng xung kích, chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế góp phần quan trọng đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước…
Tại buổi làm việc, các đại biểu, đại diện các doanh nghiệp có mặt trực tiếp tại Hội nghị cũng như tham gia trực tuyến tại các đầu cầu đã tập trung góp ý vào việc làm thế nào để xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo.
Tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; khẳng định, bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cho cộng đồng xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.
Để thực hiện có hiệu quả hai đột phá trên, theo các đại biểu, điều kiện đầu tiên và xuyên suốt là xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về doanh nhân, về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội. Nhận thức đúng, sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nhân, sự gắn bó hữu cơ giữa mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và doanh nhân.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu về kết quả sau hơn 10 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 09.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anhđã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần được tiếp tục cải thiện hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, như: việc cụ thể hóa, thể chế hóa một số đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chậm, việc xây dựng và triển khai thực hiện một số văn bản, đề án thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về một số lĩnh vực còn chưa đạt so với yêu cầu. Hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn còn chứa đựng nhiều điểm hạn chế, vướng mắc và cản trở phần nào quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh vẫn còn có điểm mâu thuẫn, chồng chéo khiến cho quy trình thực hiện đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc.Việc khơi dậy, phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam chưa được quan tâm tương xứng, văn hóa kinh doanh “chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết 09 nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết, nhất là phần đề xuất về các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhântrong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn tiếp theo, giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW.