ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về tên gọi, đối tượng, tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 2. Tên gọi kỷ niệm chương
Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tên gọi là Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” (sau đây gọi là Kỷ niệm chương), được tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.
Điều 3. Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương
- Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời.
- Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được.
- Mỗi cá nhân chỉ được tặng Kỷ niệm chương 01 lần.
Điều 4. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương
1. Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2. Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và nguyên Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
4. Đại biểu Quốc hội.
5. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
6. Công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
7. Công dân Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
8. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài.
Điều 5. Đối tượng chưa hoặc không xét tặng Kỷ niệm chương
1. Đối tượng chưa xét tặng Kỷ niệm chương bao gồm:
a) Cá nhân trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vấn đề tham nhũng, tiêu cực đang được xác minh làm rõ;
b) Cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời gian thi hành kỷ luật.
2. Đối tượng không xét tặng Kỷ niệm chương bao gồm:
a) Đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm; công chức, viên chức bị buộc thôi việc; người lao động quy định tại khoản 6 Điều 4 của Nghị quyết này bị xử lý kỷ luật sa thải;
b) Cá nhân đã bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 6. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 4 của Nghị quyết này chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.
2. Cá nhân quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết này chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thời gian tham gia làm đại biểu Quốc hội trọn 01 nhiệm kỳ trở lên;
b) Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thời gian giữ chức vụ từ đủ 05 năm trở lên, không kể thời gian thi hành kỷ luật.
3. Cá nhân quy định tại khoản 6 Điều 4 của Nghị quyết này chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Đã được tặng kỷ niệm chương của Văn phòng Quốc hội;
b) Có ít nhất là 05 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên kể từ ngày được Văn phòng Quốc hội tặng Kỷ niệm chương.
4. Cá nhân quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam;
b) Có sáng kiến, đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc nghiệm thu và có giá trị thực tiễn, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.
5. Cá nhân quy định tại khoản 8 Điều 4 của Nghị quyết này chấp hành tốt chính sách, pháp luật Việt Nam và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam;
b) Có đóng góp trong việc xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế với Quốc hội Việt Nam.
6. Trường hợp khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Điều 7. Thẩm quyền đề nghị, trình xét tặng Kỷ niệm chương, cấp đổi Kỷ niệm chương
1. Ban Công tác đại biểu đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với:
a) Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và nguyên Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hộiđề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với:
a) Lãnh đạo Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương;
b) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang công tác tại cơ quan mình;
c) Công dân Việt Nam quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài.
3. Văn phòng Quốc hội đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc Văn phòng Quốc hội.
4. Viện Nghiên cứu lập pháp đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp.
5. Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với:
a) Lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
c) Công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân;
d) Công dân Việt Nam quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này.
6. Ban Công tác đại biểu tiếp nhận đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương của các cơ quan, tổ chức quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này bằng bản giấy (bản chính) và các tệp tin điện tử (file word và file pdf) qua hộp thư điện tử của Ban Công tác đại biểu trước ngày 01 tháng 12 hằng năm, trường hợp khác thực hiện theo hướng dẫn của Ban Công tác đại biểu.
7. Ban Công tác đại biểu tổng hợp, thẩm định đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
8. Trường hợp Kỷ niệm chương bị hư hỏng, bị mất thì cá nhân gửi đơn đề nghị cấp đổi Kỷ niệm chương đến Ban Công tác đại biểu để xem xét cấp đổi.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 02 năm 2024.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Mẫu Kỷ niệm chương, mẫu Bằng Kỷ niệm chương, mẫu văn bản đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương, mẫu Đơn đề nghị cấp đổi Kỷ niệm chương quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao tặng Kỷ niệm chương vào dịp kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử Quốc hội Việt Nam (ngày 06 tháng 01), trao tặng đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu vào kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội. Trường hợp trao tặng Kỷ niệm chương vào thời gian khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
3. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 05 tháng 02 năm 2024.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Vương Đình Huệ