NGHỊ QUYẾT Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Xét đề nghị của Ban Công tác đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân và chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Nghị quyết này.

2. Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

3. Được tiến hành thường xuyên, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả.

4. Báo cáo kết quả giám sát kịp thời và đúng thời hạn; chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.

5. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 4. Hồ sơ trình Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân

1. Tờ trình Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân về dự kiến chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân. Tờ trình bao gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tổng hợp ý kiến, đề nghị giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 58 và khoản 1 Điều 67 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; 

b) Dự kiến nội dung chương trình giám sát;

c) Sự cần thiết, đối tượng, phạm vi giám sát;

d) Dự kiến cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp chuẩn bị nội dung giám sát;

đ) Biện pháp tổ chức thực hiện;

e) Các vấn đề liên quan khác (nếu có).

2. Báo cáo tổng hợp các nội dung giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân đã thực hiện trong 02 năm trước thời điểm đề xuất.

3. Dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, dự kiến chương trình giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Điều 5. Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân

1. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Nghị quyết về chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân được thông qua, Thường trực Hội đồng nhân dân ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, trừ hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 62 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

2. Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân được tích hợp trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân.

3. Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát cần nêu rõ mục đích, yêu cầu; phân công các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện; tiến độ, công tác tổ chức, phối hợp thực hiện; trách nhiệm lồng ghép nội dung giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm. Trường hợp nội dung giám sát liên quan đến lĩnh vực phụ trách của nhiều cơ quan khác nhau thì kế hoạch nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

Điều 6. Phối hợp trong hoạt động giám sát

Tùy từng trường hợp cụ thể, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Điều 7. Báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân

1. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp giữa năm của Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân được giao chủ trì thực hiện nội dung trong chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân gửi báo cáo về kết quả thực hiện chương trình giám sát của năm trước đến Thường trực Hội đồng nhân dân để tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân.

2. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã được Thường trực Hội đồng nhân dân giao chủ trì xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân. Báo cáo gồm các nội dung: đánh giá kết quả đạt được; mức độ hoàn thành chương trình giám sát; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; trách nhiệm của các cơ quan liên quan; đề xuất, kiến nghị và các phụ lục kèm theo (nếu có).

Điều 8. Tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân

1. Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn theo các tiêu chí sau đây để đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định:

a) Vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri quan tâm;

b) Vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật;

c) Vấn đề đã được người bị chất vấn trả lời trực tiếp tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hoặc trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với nội dung trả lời;

d) Vấn đề khác nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước hoặc qua khảo sát, giám sát phát hiện hạn chế, bất cập cần được chất vấn để làm rõ và đưa ra những yêu cầu, giải pháp để kịp thời khắc phục.

2. Người bị chất vấn được lựa chọn phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn. Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay.

Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Điều 9. Thời hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổng hợp thông tin để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân

1. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã gửi bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, đề xuất vấn đề chất vấn của các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương đến Thường trực Hội đồng nhân dân.

2. Chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân hoàn thành việc tổng hợp đề xuất vấn đề chất vấn của các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Chậm nhất là 05 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân theo tiêu chí quy định tại Điều 8 của Nghị quyết này để trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

Điều 10. Chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân

1. Trình tự chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân quy định cụ thể về thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn, việc điều hành của chủ tọa và quyền tranh luận của đại biểu trong Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc ban hành nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Trường hợp Hội đồng nhân dân quyết định ban hành nghị quyết về chất vấn thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã tổng hợp ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và người bị chất vấn để tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo nghị quyết về chất vấn, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân để trình Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp.

3. Phiên họp chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trừ trường hợp do Hội đồng nhân dân quyết định.

Nội dung phiên họp chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Điều 11. Tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân

1. Chậm nhất là 12 ngày trước ngày tổ chức phiên chất vấn tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, căn cứ vào chương trình phiên họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm, phiếu chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn quy định tại Điều 8 của Nghị quyết này, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc Hội đồng nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày tổ chức phiên chất vấn, kế hoạch được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân, các cơ quan hữu quan và người bị chất vấn. Kế hoạch chất vấn nêu rõ nhóm vấn đề chất vấn, các nội dung có liên quan, người bị chất vấn, thời gian, địa điểm tổ chức chất vấn, thành phần tham dự.

3. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân dự kiến chương trình phiên chất vấn để trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Chương trình phiên chất vấn được thông báo đến đại biểu Hội đồng nhân dân để tham dự, đồng thời gửi đến người bị chất vấn chậm nhất là 03 ngày trước ngày tổ chức phiên chất vấn.

Điều 12. Chất vấn tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân

1. Trình tự thực hiện chất vấn tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 69 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Thời gian trả lời chất vấn, việc điều hành của chủ tọa và quyền tranh luận của đại biểu trong hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định của Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc Quy chế hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định việc mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên chất vấn.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân khi tham dự phiên chất vấn có quyền nêu chất vấn; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời chất vấn của đại biểu khi Chủ tọa phiên họp yêu cầu, được phát biểu ý kiến khi Chủ tọa đồng ý.

3. Kết thúc phiên chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định việc ban hành kết luận về chất vấn nếu thấy cần thiết.

Trường hợp Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định ban hành kết luận về chất vấn thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân dự thảo kết luận về chất vấn; lấy ý kiến thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, các cơ quan có liên quan để hoàn thiện trước khi trình Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, ban hành.

4. Nội dung phiên chất vấn của Thường trực Hội đồng nhân dân được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Điều 13. Giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân

1. Căn cứ chương trình giám sát, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định việc tổ chức giải trình, nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình và người được yêu cầu giải trình.

2. Việc lựa chọn nội dung giải trình được thực hiện căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của người được yêu cầu giải trình và ưu tiên theo các tiêu chí sau đây:

a) Vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tội phạm, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật;

b) Vấn đề mới, phức tạp được xã hội quan tâm mà chưa có giải pháp thực hiện;

c) Vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập ở địa phương; những nội dung còn nhiều tồn tại, hạn chế ở địa phương.

3. Đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên giải trình. Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định việc mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên giải trình.

4. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân dự kiến kế hoạch tổ chức giải trình để trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Điều 14. Đối tượng tham dự và trả lời chất vấn, giải trình tại các địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị

1. Người bị chất vấn, người được yêu cầu giải trình theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, trả lời chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đối với đơn vị hành chính không tổ chức Hội đồng nhân dân phường.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, trả lời chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương đối với đơn vị hành chính không tổ chức Hội đồng nhân dân quận.

4. Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân quận có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan ở địa phương tham dự phiên chất vấn, giải trình và trả lời về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Điều 15. Lựa chọn chuyên đề giám sát

1. Tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát:

a) Là vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương;

b) Không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật khác của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất, trừ các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật cụ thể để giải quyết vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề cấp thiết khác;

c) Không trùng nội dung với các chuyên đề giám sát đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp tiến hành giám sát trong khoảng thời gian ít nhất là 02 năm tính đến thời điểm đề xuất, trừ trường hợp giám sát lại nội dung đã được giám sát do đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị giám sát;

d) Không trùng lặp về đối tượng giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên vào cùng thời điểm giám sát giữa Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp giám sát theo đề nghị của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên;

đ) Bảo đảm tính toàn diện, sự cân đối và phù hợp giữa các lĩnh vực;

e) Các tiêu chí khác do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân quyết định phù hợp với yêu cầu giám sát và thực tiễn của địa phương.

2. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến số lượng chuyên đề, nội dung, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và thành phần Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân.

Ban của Hội đồng nhân dân quyết định số lượng chuyên đề, nội dung, đối tượng giám sát và thành phần Đoàn giám sát của Ban.

Điều 16. Chuẩn bị dự thảo các nội dung triển khai hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân

1. Ban của Hội đồng nhân dân được giao nhiệm vụ chủ trì nội dung giám sát chuyên đề có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện chuẩn bị dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề trình Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, cho ý kiến trước khi trình Hội đồng nhân dân quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

2. Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban được giao nhiệm vụ chủ trì nội dung giám sát phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo gửi xin ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

3. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, Ban được giao nhiệm vụ chủ trì nội dung giám sát phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua.

4. Đối với Hội đồng nhân dân cấp xã, Ban được giao nhiệm vụ chủ trì nội dung giám sát chủ động thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này trước khi trình Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua.

Điều 17. Đoàn giám sát tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế

1. Trường hợp cần thiết, Đoàn giám sát tổ chức hội nghị để triển khai hoạt động, tổ chức hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế để thu thập thông tin, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát.

2. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày tổ chức hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế, Đoàn giám sát xây dựng nội dung, chương trình, yêu cầu báo cáo gửi các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để triển khai thực hiện.

Điều 18. Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Căn cứ vào chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân và điều kiện thực tế tại địa bàn, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện hoạt động giám sát theo sự phân công của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân hoặc chủ động thực hiện giám sát theo thẩm quyền của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân.

2. Trường hợp Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân chủ động giám sát theo thẩm quyền thì Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp về kế hoạch, nội dung, đối tượng giám sát và thành phần tham gia giám sát trước khi thực hiện.

Điều 19. Nhiệm vụ của Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân trong hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Tổ chức họp và thống nhất với các thành viên trong Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân về kế hoạch giám sát hằng năm.

3. Thay mặt Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân ký ban hành kế hoạch giám sát hằng năm của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và gửi tới các thành viên trong Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đồng thời báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

4. Tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

5. Chịu trách nhiệm về công tác tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân trước Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

6. Báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp về kết quả giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 12 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát.

Điều 20. Nhiệm vụ của các thành viên Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân trong hoạt động giám sát

1.  Nghiên cứu tài liệu do các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát gửi đến.

2. Tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Tham gia ý kiến để làm rõ những vấn đề liên quan, tham gia góp ý vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân theo sự phân công của Tổ trưởng.

Điều 21. Thông báo mẫu chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân

Thường trực Hội đồng nhân dân thông báo mẫu chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để xác nhận tính pháp lý của chữ ký đó.

Điều 22. Hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Chậm nhất là ngày 01 tháng 12 hằng năm, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện dự kiến chương trình giám sát năm sau của mình (nếu có) gửi đến Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân qua Tổ trưởng; đối với đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thì gửi Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổng hợp, điều hòa chương trình giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân để đảm bảo hoạt động giám sát của các đại biểu không bị trùng lặp về nội dung, đối tượng giám sát.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp khi được mời.

3. Khi xét thấy cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân gửi văn bản kiến nghị Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp tổ chức giám sát các vụ việc nổi cộm, bức xúc trên địa bàn.

4. Báo cáo về hoạt động giám sát hằng năm và các hoạt động giám sát khác của đại biểu Hội đồng nhân dân (nếu có) được gửi về Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân để tổng hợp, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Điều 23. Hoạt động giám sát tại các đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã

Tại những đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện thực hiện giám sát bảo đảm bao quát, toàn diện hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn và trong phạm vi của đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo.

Điều 24. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình, trừ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân không thuộc đối tượng được tiếp cận; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát; thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có trách nhiệm trực tiếp báo cáo, trình bày những vấn đề mà Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát không thể trực tiếp báo cáo, trình bày được thì ủy quyền cho cấp phó của mình.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan.

Điều 25. Theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát

1. Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chủ động theo dõi, kịp thời đôn đốc cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và báo cáo kết quả việc thực hiện đến Thường trực Hội đồng nhân dân.

2. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị thì Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân gửi văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát giải trình về việc chậm thực hiện hoặc không thực hiện và làm rõ trách nhiệm, đề xuất biện pháp xử lý.

Điều 26. Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Chậm nhất là ngày 30 tháng 3 và ngày 30 tháng 8 hằng năm, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã tổng hợp kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân trong đó làm rõ những nội dung chưa được cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu (nếu có) để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Đối với những nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát cần trình Thường trực Hội đồng nhân dân sớm hơn, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã tổng hợp kết quả thực hiện theo đề nghị của các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp tại phiên họp gần nhất.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát theo trình tự sau đây:

a) Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã trình bày báo cáo về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát báo cáo, giải trình;

c) Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phát biểu ý kiến;

d) Thường trực Hội đồng nhân dân thảo luận;

đ) Chủ tọa phiên họp kết luận;

e) Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc ban hành kết luận về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát hoặc báo cáo Hội đồng nhân dân.

3. Kết luận của Thường trực Hội đồng nhân dân bao gồm những nội dung sau đây:

a) Đánh giá kết quả việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu sự giám sát;

b) Những yêu cầu cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó nêu rõ yêu cầu thực hiện, thời hạn thực hiện; biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với những vấn đề đã kết luận, kiến nghị.

Điều 27. Hội đồng nhân dân xem xét báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát

Hội đồng nhân dân xem xét báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân theo trình tự sau đây:

a) Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân trình bày báo cáo;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát báo cáo, giải trình;

c) Hội đồng nhân dân thảo luận;

d) Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết hoặc kết luận về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Nghị quyết, kết luận bao gồm các nội dung sau đây: Đánh giá kết quả việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu sự giám sát; những yêu cầu cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó nêu rõ yêu cầu thực hiện, thời hạn thực hiện; biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với những vấn đề đã kết luận, kiến nghị.

Điều 28. Việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát

Sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được Hội đồng nhân dân kết luận, kiến nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 29. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan.

Điều 30. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 31. Tổ chức thi hành

1. Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tập hợp các kiến nghị, vướng mắc để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hướng dẫn.

2. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc thu thập, sử dụng, cập nhật tình hình và kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương mình để xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH

Đã ký

Vương Đình Huệ

Thời sự Quốc hội

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng - Phó Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp
Thời sự Quốc hội

Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và một số luật liên quan họp phiên thứ nhất

* Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì

Chiều 10.1, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng - Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và một số luật liên quan đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban soạn thảo.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tổ chức họp rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thời sự Quốc hội

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Sáng 10.1, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã họp rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh chủ trì cuộc họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác khảo sát Công ty Nông nghiêp công nghệ cao Trung An. Ảnh: Nguyễn Hành
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khảo sát thực địa các điểm tham quan tại Hội nghị APF

Tiếp tục chương trình công tác tại thành phố Cần Thơ, chiều 9.1, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác của Quốc hội đã đi kiểm tra các điểm tham quan thực địa của các đại biểu tham dự Hội nghị APF là Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Hợp tác xã Nông trại xanh - New Green Farm và Sông Hậu Farm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm, chúc Tết gia đình các cố Phó Chủ tịch Quốc hội
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm, chúc Tết gia đình các cố Phó Chủ tịch Quốc hội

Sáng 9.1, tại Hà Nội, nhân dịp đầu năm mới 2025 và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã tới thăm, chúc Tết gia đình và thắp hương tưởng nhớ cố Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Đăng Khoa, cố Phó Chủ tịch Quốc hội Xuân Thủy, cố Phó Chủ tịch Quốc hội Nghiêm Xuân Yêm và cố Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu. 

Đoàn công tác của Quốc hội tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hành
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị APF tại Cần Thơ

Ngày 9.1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) Nguyễn Đức Hải đã kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về Nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại TP. Cần Thơ từ ngày 21 - 24.1.2025. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 4 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 4 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành 4 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 1344/NQ-UBTVQH15 thành lập Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan; Nghị quyết số 1345/NQ-UBTVQH15 về việc phân công đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Lâm Đồng; Nghị quyết số 1350/NQ-UBTVQH15 về công tác quản lý và bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đã ký Nghị quyết số 1336/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả miễn nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trao quà Tết tặng người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Phú Thọ
Thời sự Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trao quà Tết tặng người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Phú Thọ

Ngày 8.1, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã dự chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025”, thăm hỏi và tặng quà đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty TNHH JH Vina, Khu công nghiệp Phú Hà, Phú Thọ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 2 Nghị quyết: Nghị quyết số 63/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Nghị quyết số 64/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam để chuyển chức năng, nhiệm vụ từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài Truyền hình Việt Nam. Hai Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 7.1.2025 tại phiên họp thứ 41.