Ghi nhận của Phóng viên, tại nhiều tuyến phố và trụ sở các cơ quan trên địa bàn TP. Hà Nội như: Kim Mã, Liễu Giai, Trần Phú, Điện Biên,… đều được trang hoàng nhiều băng rôn, pano, áp phích rực rỡ sắc đỏ tuyên truyền về ngày Pháp luật Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Ngày 9.11.1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành đã đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của nước ta. Năm 2012, Quốc hội Khóa XIII đã lựa chọn ngày 9.11 làm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện pháp lý quan trọng, không chỉ đối với bộ máy Nhà nước mà còn tác động đến đa số tầng lớp Nhân dân.
Là người luôn tuân thủ các quy định của pháp luật trong cuộc sống hàng ngày, bà Đậu Thị Nga (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Ngày Pháp luật Việt Nam 9.11 có ý nghĩa sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành. Bởi vậy, bản thân tôi luôn chấp hành các quy định của pháp luật ngay từ những việc làm nhỏ nhất như: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, dừng đỗ xe đúng nơi quy định, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông,... Qua những việc làm đó, tôi làm gương nên có thể giáo dục, nhắc nhở con cháu để mỗi thành viên trong gia đình tự nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và có cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống".
Anh Hoàng Văn Hùng (Long Biên, Hà Nội) cũng chia sẻ: Nhờ được tuyên truyền giáo dục pháp luật ngay từ khi còn nhỏ, nên việc thực thi pháp luật với Tôi đã trở thành một thói quen. Đơn cử như việc chấp hành đúng luật lệ giao thông thông qua tuân thủ tín hiệu đèn, đi đúng làn đường; hay ở nhà thì mở nhạc đủ nghe để không ảnh hưởng đến hàng xóm, đổ rác đúng giờ và nơi quy định. Rộng hơn thế, Tôi không tàng trữ, vận chuyển các chất cấm, không che giấu những hành vi vi phạm pháp luật,... là cách để bản thân rèn luyện, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Anh Hùng cho rằng, việc hiểu biết và chấp hành pháp luật từ việc nhỏ nhất đến việc lớn, lan tỏa cho những người xung quanh, là cách bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Chị Ngô Lan Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, mỗi công dân dân cần tuân thủ, học tập và nắm vững các quy định pháp luật về: Quốc tịch, hộ khẩu, đăng ký kết hôn, đăng ký tạm trú, đăng ký xe, đăng ký sở hữu nhà ở,...Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền đến người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm để mọi người cùng thực thi pháp luật".
Để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Đại úy Vũ Đức Mạnh, Tiểu đoàn 4, Học viện Hậu Cầu chia sẻ: "Tại đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật. Các hoạt động như: Thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh về nội dung Ngày Pháp luật Việt Nam; tổ chức sân khấu hóa ngày pháp luật để tuyên truyền, giáo dục; tổ chức học tập quán triệt các bài giảng về pháp luật".
Chia sẻ về ý nghĩa ngày Pháp luật Việt Nam, theo Luật sư Lê Lưu Phú, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, ngày 9.11 có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền. Những năm qua, nhờ chú trọng thực hiện tốt chương trình, kế hoạch, nội dung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật.
Việc xây dựng, phổ biến, thực thi, giám sát pháp luật được thực hiện tốt sẽ giúp cho những giá trị văn hóa ấy thành nguồn lực quan trọng của đất nước. Do đó, mỗi người dân cần có ý thức tuân thủ pháp luật để xây dựng một xã hội văn minh, lịch sự. Trên thực tế, tại các địa phương đều thực hiện phổ biến, tuyên truyền để người dân thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tích cực đóng góp vào đấu tranh phòng ngừa tội phạm.