Có cơ sở để mở rộng đối tượng chịu thuế
- Nhìn lại 14 năm thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được?
- Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được sử dụng ở nhiều quốc gia, với nhiều mục tiêu như: định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, hạn chế sử dụng các mặt hàng không cần thiết; điều tiết thu nhập giữa các khu vực dân cư, góp phần tái phân phối thu nhập, bảo đảm công bằng xã hội; góp phần bảo vệ môi trường; tăng thu ngân sách...
Tại Việt Nam, sau 14 năm triển khai, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống, xã hội và cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Riêng với tăng thu ngân sách, dù đây là mục tiêu thứ yếu, song cũng là nguồn thu rất quan trọng. Thực tế, nhiều năm qua, nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt thường chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách nhà nước, đạt gần 2% GDP.
- Thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15, Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng. Ý kiến của ông thế nào?
- Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm đánh vào một số hàng hóa dịch vụ đặc biệt tùy vào phong tục, tập quán, lối sống và thu nhập bình quân đầu người của mỗi quốc gia. Cũng vì thế, nhóm hàng chịu thuế cũng khác nhau. Ở Hungary có 22 nhóm hàng hóa chịu thuế; Thụy Điển là 19; Anh là 21; Thái Lan khoảng 20; Malaysia khoảng 17 nhóm.
Tại Việt Nam đang là 17 nhóm và tới đây xu hướng sẽ mở rộng đối tượng chịu thuế. Điều này là hợp lý, đặc biệt với đồ uống có đường, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo việc sử dụng sản phẩm này đối với vấn đề sức khỏe. Rõ ràng, cơ sở khoa học cũng như cơ sở để đưa ra tính thuế và đánh thuế là hợp lý. Vấn đề là cần xem xét kỹ hơn mức thuế thế nào để tính toán cho phù hợp.
Cụ thể hóa thuế hỗn hợp ra sao?
- Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 7.2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp với rượu, bia. Nhiều ý kiến cũng đề xuất áp thuế hỗn hợp vì mô hình này hiệu quả trong việc hạn chế việc sử dụng rượu bia rẻ tiền, không rõ nguồn gốc… và do đó tăng thêm nguồn thu ngân sách từ khu vực rượu bia chính thức. Quan điểm của ông thế nào?
- Theo tôi, đây là đề xuất hợp lý. Vấn đề quan trọng là làm sao để cụ thể hóa mức thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế suất tuyệt đối, đã đến lúc áp dụng nhiều hay chỉ với một số mặt hàng và đó là những mặt hàng nào thì cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.
Thực tế trong vài chục năm qua, việc áp dụng thuế suất tuyệt đối cũng như thuế suất hỗn hợp trên thế giới đã và đang tăng; giảm thuế suất tương đối. Hiện, thuế suất hỗn hợp và tuyệt đối chiếm khoảng 73%, còn lại 27% là thuế tương đối. Đến nay, thống kê có 66 quốc gia áp dụng thuế suất tuyệt đối, 62 quốc gia áp dụng thuế suất hỗn hợp và chỉ còn 45 quốc gia áp dụng thuế suất tương đối.
Việc áp dụng thuế hỗn hợp thì có nhiều cách. Có quốc gia áp dụng theo một tỷ lệ nhất định cho những mặt hàng đánh thuế, phần còn lại là đánh thuế tuyệt đối. Thường là đồ uống có cồn hay đường thì họ sẽ đánh theo lượng cồn hoặc đường và theo lít để tính bao nhiêu tiền cho lít cồn/đường đó. Như vậy, nồng độ cồn sẽ quyết định mức độ thuế.
Cụ thể, ở Thái Lan thì cấu trúc thuế rất phức tạp với nhiều mức thuế áp dụng cho các danh mục sản phẩm hàng hóa khác nhau. Đó có thể là thuế tương đối cho bia, rượu vang, các loại rượu mạnh cao cấp mà họ sản xuất ra và tiêu thụ, thì họ có quy định cụ thể. Còn thuế tuyệt đối áp dụng cho rượu khác như rượu trắng nội địa, rượu nhập khẩu.
Ở Philippines, thuế hỗn hợp có quy định khác, đặc biệt là với rượu ngoại. Rượu chưng cất từ nguyên liệu thô mà trong danh mục chỉ định thì được áp thuế suất cố định, ngoài danh mục đó thì áp thuế suất cố định rất cao. Việc áp thuế suất này cho nguyên liệu không trong danh mục chỉ định từ 10 - 40 lần so với loại rượu chưng cất từ nguyên liệu chỉ định, tùy theo quan điểm quốc gia.
Hay tại một số quốc gia khác, họ đánh thuế hỗn hợp cả về thuế tương đối và tuyệt đối. Ví dụ, bên Pháp, nước giải khát không cồn được đánh theo tỷ lệ %, trên cơ sở đó đánh thuế 1,22 Euro cho 1 lít đồ uống có hàm lượng đường trên 0,5%. Hay Argentina đánh thuế với nước ngọt có ga ở mức 8,7%, ngoài ra áp dụng luôn một tỷ lệ cố định trên lượng nước.
Yêu cầu của Chính phủ sẽ là định hướng để Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thuế hỗn hợp để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tình hình thực tế. Vấn đề như tôi nói ở trên, là cần phải nghiên cứu thật kỹ để có những quy định phù hợp, bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra cũng như tạo công bằng trong cạnh tranh.
- Xin cảm ơn ông!