Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh cho biết, năm 2024, ngành thú y tiếp tục kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước. Cụ thể, số ổ dịch cúm gia cầm giảm 23,8%; số ổ dịch tai xanh giảm 60%. Qua đó, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển 5,2-5,5% bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đối với công tác xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch, đến nay, cả nước có 3.750 cơ sở, vùng được cấp Giấy chứng nhận An toàn dịch bệnh tại 60 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, 63 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 180 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 3.505 cơ sở an toàn dịch bệnh.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, năm 2024, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.490 ha, giảm 11,3% so với năm 2023 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 25.355 ha); ngoài ra có khoảng 4.993 lồng, bè, vèo, bể nuôi có thủy sản bị thiệt hại.
Về công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú ý, an toàn thực phẩm năm 2024, hiện nay, cả nước có 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.858 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên cả nước. Trong năm 2024, đã thành lập 9 đoàn công tác đi kiểm tra công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tại 17 tỉnh, thành phố; tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 80 cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú ý và an toàn thực phẩm.
Ngành cũng thực hiện giám sát chất cấm Salbutamol tồn dư trong nước tiểu gia súc và sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã triển khai lấy 368 mẫu thịt và thức ăn chăn nuôi không phát hiện chất cấm Salbutamol.
Từ những kết quả tích cực trong năm 2024, chia sẻ về kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và kiểm soát giết mổ năm 2025, đại diện Cục Thú y cho biết, Cục sẽ tiếp tục đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 5 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT. Đôn đốc, hướng dẫn tổ chức triển khai "Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thuỷ sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030".
Đồng thời, xây dựng nội dung, kế hoạch, đề xuất phương án mở rộng và nâng cấp
Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS). Tiếp tục triển khai các dự án, hoạt động hỗ trợ của quốc tế và các nước.
Phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học về thủy sản, các đơn vị có liên quan xây dựng và đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh thủy sản, kháng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương về công tác quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm; giảm thiểu tối đa các sự cố gây mất an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Tiếp tục xây dựng chương trình giám sát an toàn thực phẩm năm 2025 đối với sữa tươi nguyên liệu và đối với sản phẩm động vật xuất khẩu (gồm thịt gà chế biến; sản phẩm tổ yến); giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt lợn, thịt gà tiêu thụ nội địa.