Nhiều cơ hội cho nghề điều dưỡng trong bối cảnh mới
Chia sẻ tại Tọa đàm "Nghề điều dưỡng: Không lo thất nghiệp, AI không thể thay thế" do Báo Dân trí phối hợp với Đại học VinUni tổ chức ngày 30.5, TS Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Dưỡng Việt Nam cho biết, Việt Nam đã và đang phải đương đầu với tình trạng già hóa dân số.
Theo quy luật, tuổi càng cao, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chăm sóc điều dưỡng càng lớn. Vì thế, nhu cầu về đội ngũ điều dưỡng là rất lớn, nghề điều dưỡng có nhiều cơ hội việc làm hơn.
TS Huy phân tích, trong bối cảnh già hóa dân số, người điều dưỡng không chỉ thực hiện các chăm sóc truyền thống như chăm sóc bệnh cấp tính trong bệnh viện hoặc chăm sóc theo Nội, Ngoại, Sản khoa; mà còn là những công việc mới như chăm sóc người già, chăm sóc tại nhà, chăm sóc phục hồi.
Điều này mở ra rất nhiều chuyên ngành chăm sóc mới, cũng là cơ hội để người điều dưỡng phát triển nghề nghiệp cũng như có sự thăng tiến. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà trường mở rộng đào tạo các chuyên ngành này, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Theo TS Trần Quang Huy, trước đây, người điều dưỡng (còn gọi là y tá) chỉ được đào tạo để thực hiện những chỉ định y khoa, y lệnh của bác sĩ. Nhưng ngày nay, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người điều dưỡng đã thay đổi.
Vấn đề này thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Thông tư 26 về tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp điều dưỡng khẳng định: Nghề điều dưỡng là một nghề độc lập. Người hành nghề điều dưỡng được gọi là điều dưỡng viên. Người điều dưỡng có trình độ, cấp độ đào tạo khác nhau được quy định bởi hệ thống ngạch về nghề nghiệp.
Trong từ điển y khoa, nghề điều dưỡng cũng được xác định là một nghề độc lập nhưng tích hợp trong hệ thống y tế, phối hợp với chuyên ngành y tế khác làm nhiệm vụ duy trì, nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe người bệnh...
“Trước đây, nghề điều dưỡng không được đưa vào xét tặng các danh hiệu cao quý, như Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc nhân dân; nhưng từ năm 2008 đã hoàn toàn thay đổi, Nhà nước công nhận, xét tặng danh hiệu đó. Đến nay, hàng trăm điều dưỡng trên toàn quốc đã được phong tặng các danh hiệu cao quý này. Về tổng thể, vị thế của ngành nghề điều dưỡng đang thay đổi rất nhiều”, TS Huy nhấn mạnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết ngành nghề điều dưỡng có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống y tế Việt Nam nói chung và hệ thống khám chữa bệnh nói riêng.
Mới đây, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các bệnh viện đã xây dựng Thông tư 31 quy định về công tác điều dưỡng, trong đó nêu lên những vai trò hết sức quan trọng của người điều dưỡng, từ việc lập kế hoạch, chăm sóc đến điều trị, hướng dẫn người bệnh, dự phòng…
PGS Khuê nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế điều dưỡng. “AI không thể nâng giấc, chăm sóc, hỏi han, ân cần, dịu dàng với người bệnh; cũng không thể lập kế hoạch để thay thế bàn tay, khối óc, cử chỉ, ánh mắt, thay lời nói động viên của người điều dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân.
Các kỹ thuật chăm sóc như cho ăn, giúp cho người bệnh ngủ ngon, giúp người bệnh không bị ho, giúp họ thoải mái trong các hoạt động sinh hoạt trong bệnh viện... không ai có thể thay thế người điều dưỡng”, ông nói.
Nghề điều dưỡng “đứng số 1” ở một số quốc gia
Cùng chia sẻ tại tọa đàm, TS Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc chương trình Điều dưỡng, Viện Khoa học sức khỏe, Đại học VinUni cho hay, khái niệm cốt lõi của nghề điều dưỡng là chăm sóc.
Khái niệm chăm sóc giữa người với người bắt đầu từ rất sớm, từ các giai đoạn lịch sử xa xưa. Sau này, người ta nhận thấy rằng cần có những người không chỉ chăm sóc theo cách thông thường, mà cần có kiến thức về khoa học sức khỏe, về hoạt động của cơ thể con người, kiến thức về tâm lý… để chăm sóc một con người sao cho hiệu quả.
“Đó là lý do chúng ta phải chuyển từ các hoạt động chăm sóc bản năng sang hoạt động mang tính chuyên nghiệp. Và đó cũng là lý do người điều dưỡng ở tất cả các nước trên thế giới đều phải học rất sâu kiến thức y khoa, khoa học sức khỏe, kiến thức xã hội để chăm sóc người bệnh toàn diện”, TS Long thông tin.
Theo ông, nghề điều dưỡng trên thế giới rất được coi trọng. Đơn cử tại Úc, nhiều năm qua, điều dưỡng được thống kê là nghề mà xã hội tin tưởng nhất, đứng số 1 trong tất cả các nghề trong xã hội.
Với các nước tiên tiến, nghề điều dưỡng được trả lương rất tốt, là nghề mơ ước của nhiều bạn trẻ. Ví dụ ở Mỹ, chuyên ngành điều dưỡng gây mê quá trình đào tạo cần 7 - 9 năm, mức thu nhập sau tốt nghiệp lên đến 200.000 USD mỗi năm.
Tại Việt Nam, với việc nhiều đơn vị phát triển mạnh mô hình "Bệnh viện - Trường", cơ hội việc làm cho nghề điều dưỡng càng rộng mở.
ThS Bùi Văn Thắng, Giám đốc Điều dưỡng Bệnh viện Vinmec Times City cho biết, hiện nay Vinmec 7 bệnh viện, trong tương lai gần có kế hoạch phát triển lên 10 - 12 bệnh viện. Quy mô bệnh viện cũng được mở rộng dần.
Để thực hiện điều này cần nguồn nhân lực lớn, đặc biệt là lực lượng điều dưỡng. Vì thế, sinh viên ngành điều dưỡng Đại học VinUni ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm.
ThS Thắng thông tin, từ khi Đại học VinUni có kế hoạch triển khai đào tạo điều dưỡng đã phối hợp làm việc với Bệnh viện Vinmec để bắt đầu chương trình đào tạo cho đội ngũ giảng viên.
“Kể cả sinh viên VinUni chưa đi thực hành, chúng tôi đã xây dựng đội ngũ giảng viên lâm sàng. Khi sinh viên đến bệnh viện đã có đội ngũ giảng viên hướng dẫn, đào tạo cho họ bài bản”, ông Thắng nói.
Để sinh viên ý thức được sự độc lập trong nghề nghiệp của mình, ông Thắng cho hay, Bệnh viện Vinmec có hệ thống quy trình quy định rất rõ chức năng nhiệm vụ của mỗi người, khuyến khích đội ngũ điều dưỡng thể hiện năng lực, tính độc lập của mình. Bên cạnh đó, thực hiện khảo sát khách quan người bệnh sau khi ra viện.
“Khi các bạn sinh viên đi cùng với anh chị ở khoa, họ cảm nhận điều đó. Có nhiều em sinh viên chia sẻ, khi mới vào học, định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng, đang rất mơ hồ. Khi đi bệnh viện một thời gian ngắn đã cảm thấy yêu thích nghề, sẵn sàng cống hiến cho nghề điều dưỡng”, ThS Thắng chia sẻ.