PGS.TS Lương Ngọc Khuê: "Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế người điều dưỡng"

- Thứ Ba, 30/05/2023, 16:09 - Chia sẻ

“Trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế điều dưỡng. AI không thể nâng giấc, chăm sóc, hỏi han, ân cần, dịu dàng với người bệnh; cũng không thể lập kế hoạch để thay thế bàn tay, khối óc, cử chỉ, ánh mắt, thay lời nói động viên của người điều dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân”, PGS Khuê nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030, ngành y tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40 - 50 nghìn nhân lực điều dưỡng.

Theo các chuyên gia, nhân lực điều dưỡng thiếu vì nhiều người chưa hiểu được vai trò của người làm công việc điều dưỡng.

Điều dưỡng viên thường được cho là người phụ việc của bác sĩ, dẫn đến vị trí và chức năng của ngành điều dưỡng chưa được nhìn nhận chính xác. Hơn nữa, sự phát triển của AI, công nghệ khiến nhiều người lo ngại máy móc làm việc thay điều dưỡng, dẫn đến cơ hội việc làm bị hạn chế.

Tại buổi tọa đàm "Nghề điều dưỡng: Không lo thất nghiệp, AI không thể thay thế" do Báo điện tử Dân trí phối hợp Đại học VinUni tổ chức sáng ngày 30.5,  PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có một số chia sẻ liên quan đến tình hình nhân lực điều dưỡng hiện nay, cũng như đưa ra một số giải pháp giúp tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng đội ngũ điều dưỡng.

Cần có khoảng 28 điều dưỡng trên 10.000 dân

- Thưa PGS.TS Lương Ngọc Khuê. Ông có thể chia sẻ thông tin về tình hình nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam hiện nay?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Qua báo cáo đánh giá, tổng kết của Bộ Y tế cho thấy, chúng ta đã có được một hệ thống điều dưỡng khá hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương.

Theo đó, Bộ Y tế đã có phòng điều dưỡng chỉ đạo công tác điều dưỡng trên toàn quốc. Tất cả Sở Y tế đều có cán bộ làm công tác chỉ đạo về điều dưỡng. Hơn 1.400 bệnh viện công lập, hơn 300 bệnh viện ngoài công lập đều có hệ thống điều dưỡng trưởng và điều dưỡng làm công tác quản lý và chăm sóc. 

Trong những năm vừa qua, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các điều dưỡng viên nói chung, trong đó bao gồm cả các nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, cán bộ tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân.

Lực lượng này chiếm đến 70% trong đội ngũ làm công tác khám chữa bệnh, đóng góp một phần hết sức quan trong trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chúng ta cũng đã có hệ thống đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật viên khá đồng bộ ở cả tuyến trung ương, địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng điều dưỡng vẫn còn thiếu. Theo kế hoạch, chiến lược quốc gia quy hoạch hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, mục tiêu đến năm 2025, chúng ta cần có khoảng 28 điều dưỡng trên 10.000 dân. Tuy nhiên, tới nay, chúng ta mới chỉ đạt được một nửa con số này.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế người điều dưỡng -0
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

Về chất lượng, đa số các bệnh viện sử dụng điều dưỡng trình độ trung cấp. Trong khi đó, để đảm bảo nhu cầu nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đưa ra con số cần 50 - 70%  điều dưỡng có trình độ cao đẳng và đại học.

Bên cạnh đó, hiện nước ta chưa có giáo sư, phó giáo sư về điều dưỡng. So sánh với các nước bên cạnh như Thái Lan đã có đội ngũ “bậc thầy” giảng dạy về điều dưỡng, thực hành điều dưỡng là các giáo sư, phó giáo sư.

Có thể nói, sức hút của ngành điều dưỡng hiện chưa cao vì các vấn đề tiền lương, chế độ. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng đãi ngộ chưa tương xứng với sức lao động; điều kiện làm việc đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, yêu cầu để các bạn được thực hành tốt trong bệnh viện. Một số nhận thức, tư duy, cách nghĩ của xã hội đôi lúc vẫn chưa đánh giá đúng vai trò của điều dưỡng.

Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, đặc biệt là vấn đề xây dựng chính sách để giúp cho ngành nghề điều dưỡng có những bước tiến khác.

- Bên cạnh cơ hội việc làm, vấn đề thu nhập từ ngành nghề luôn được mọi người đặc biệt quan tâm. Ông đã chia sẻ rằng mức lương của nghề điều dưỡng tại Việt Nam còn thấp, chưa tương xứng với sức lao động. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Lương, thu nhập là vấn đề rất quan trọng, là một trong những thành tố giúp nâng cao chất lượng của điều dưỡng cũng như tạo sức hút với ngành.

Hiện nay, với một điều dưỡng tốt nghiệp trung cấp ra trường thì lương khởi điểm là 2,8 triệu đồng, nếu sắp tới tăng lương thì lên được 3 triệu đồng. Một mức lương như vậy thực sự rất khó khăn.

Cơ chế của chúng ta giao các bệnh viện tự chủ. Tại các bệnh viện Nhà nước, mức lương của điều dưỡng được nhân gấp 2,5 lần là cao nhất, tức mức cao cũng chỉ 6 - 7 triệu đồng.

Trong khi đó, y tế tư nhân đang phát triển, cũng trả khá cao cho nhân lực điều dưỡng, có thể gấp đôi mức lương nói trên. Điều này dẫn tới có sự chuyển dịch nguồn lực giữa khu vực công và tư.

Đây là thách thức đòi hỏi các bệnh viện phải đổi mới: đổi mới từ giá viện phí đến các chi phí cấu thành. Phải cân nhắc giá phù hợp, trong đó dịch vụ chăm sóc cũng cần tính đầy đủ để có thể trả lương cho điều dưỡng tốt hơn. 

Giám đốc các bệnh viện cũng phải quan tâm để làm sao công bằng trong chia các khoản tăng thêm cho điều dưỡng; qua đó khuyến khích các bạn đưa hết năng lực, trí tuệ, đặc biệt là tâm huyết của mình cho người bệnh.

Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế người điều dưỡng

- Với thực trạng nhân lực điều dưỡng còn rất thiếu hiện nay, ngành y tế có chiến lược gì nhằm tăng cường chất lượng, năng lực của đội ngũ điều dưỡng, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Chúng tôi cũng đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp. Gần đây, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các bệnh viện đã xây dựng Thông tư 31 quy định về công tác điều dưỡng, trong đó nêu lên những vai trò hết sức quan trọng của người điều dưỡng, từ việc lập kế hoạch, chăm sóc đến điều trị, hướng dẫn người bệnh, dự phòng… Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò của người điều dưỡng.

Xác định ngành nghề điều dưỡng có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống y tế Việt Nam nói chung và hệ thống khám chữa bệnh nói riêng, cần quan tâm đầu tư về đào tạo con người, nâng cao năng lực trình độ, đặc biệt quan tâm chế độ chính sách cho điều dưỡng.

Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh phải quan tâm đến điều kiện lao động của người điều dưỡng.

Chắc chắn rằng trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế điều dưỡng. AI không thể nâng giấc, chăm sóc, hỏi han, ân cần, dịu dàng với người bệnh; cũng không thể lập kế hoạch để thay thế bàn tay, khối óc, cử chỉ, ánh mắt, thay lời nói động viên của người điều dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân.

Các kỹ thuật chăm sóc như cho ăn, giúp cho người bệnh ngủ ngon, giúp người bệnh không bị ho, giúp họ thoải mái trong các hoạt động sinh hoạt trong bệnh viện... không ai có thể thay thế người điều dưỡng. Để có những điều này, cần nâng cao năng lực đào tạo trong các trường.

Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được Quốc hội thông qua ngày 9.1.2023, có hiệu lực vào ngày 1.1.2024 đã quy định chức trách của người điều dưỡng để nâng cao chất lượng, lấy người bệnh làm trung tâm.

Theo đó đến năm 2028, các cử nhân điều dưỡng, ngành nghề điều dưỡng phải thi qua Hội đồng y khoa quốc gia mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, khi bước vào môi trường bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh hành nghề, cần cập nhật các kiến thức của các nước trong khu vực cũng như thế giới, để ngang tầm năng lực chuyên môn của điều dưỡng các nước.

Từ đó, người điều dưỡng có thể chăm sóc, điều trị, thực hành ở trong nước và quốc tế, được các nước bạn công nhận bằng cấp, công nhận năng lực của điều dưỡng Việt Nam.

Để giúp hệ thống điều dưỡng có những bước tiến mới, cần sự chung tay tổng thể của các Bộ Ban Ngành cùng với ngành Y tế. Chúng ta cần một đề án của Chính phủ, bởi về vấn đề chế độ phải do Bộ Nội vụ cân đối với các ngành nghề khác mới có những chính sách cho nghề điều dưỡng. Hay về vấn đề lương, các khoản phụ cấp cần có sự chỉ đạo của Chính phủ tới Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, còn các vấn đề liên quan đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đầu tư phát triển các bệnh viện, nâng cao cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho người điều dưỡng, từ vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, các labo xét nghiệm đến các vấn đề khác. Về đào tạo, cần sự chung tay của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

-Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Lương Ngọc Khuê!

Nguyễn Liên
#