Trong khi đó một số mặt hàng như linh kiện ôtô, xe máy, nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu đã giảm mạnh. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp phụ trợ có chiều hướng gia tăng. Đánh giá về tăng trưởng của ngành công nghiệp trong bối cảnh thị trường thế giới biến động trong năm qua, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào cho rằng: “Năm 2006 có nhiều biến động về giá xăng dầu, sắt thép, giá nguyên vật liệu đầu vào và chịu sức ép của lộ trình giảm thuế theo cam kết của AFTA từ 1.1.2006, nhưng tốc độ tăng trưởng mà ngành công nghiệp đạt được là rất đáng khích lệ.”
Theo phân tích của Bộ Công nghiệp, có 5 nhóm hàng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành Công nghiệp trong năm 2006. Thứ nhất là khoáng sản, chủ yếu dầu thô và than. Năm 2006, nhờ giá năng lượng thế giới tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt trên 7 tỷ USD, than đạt trên 830 triệu USD. Năm 2007, giá than tiêu thụ trong nước có thể được điều chỉnh tăng để tránh không phải bù lỗ giá, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo sẽ giảm xuất khẩu than, đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và lâu dài. Điều này đòi hỏi ngành Than phải tìm hướng đi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nhóm mặt hàng thứ 2 có sức tăng trưởng cao trong năm qua là dệt may và da giày. Ước tính cả năm, kim ngạch dệt may có thể đạt khoảng 5,8 tỷ USD, còn da giầy khoảng 3,5 tỷ USD. Mặc dù đây là hai mặt hàng bị các tác động về áp dụng hạn ngạch và bị kiện bán phá giá tại một số thị trường, nhưng sự gia tăng xuất khẩu cho thấy đây vẫn là những sản phẩm có sức cạnh tranh tốt. Vào WTO, dệt may và da giày hứa hẹn có nhiều cơ hội nâng kim ngạch xuất khẩu khi hàng hoá được đối xử bình đẳng hơn, đặc biệt các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU bãi bỏ hạn ngạch. Tuy nhiên, cả 2 ngành này cần chủ động nguyên liệu đầu vào phục vụ cho xuất khẩu.
Nhóm hàng thứ 3 có kim ngạch xuất khẩu tăng khá nhanh trong năm nay là điện tử, có thể đạt 2 tỷ USD. Song, điểm đáng lưu ý là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của các công ty liên doanh, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ khiêm tốn ở mức 200 triệu USD. Nhóm hàng thứ 4 là công nghiệp chế biến, trong đó có sản phẩm nông lâm hải sản có nhịp độ tăng trưởng cao. Hàng thủy sản có tốc độ tăng trưởng nhanh, đạt khoảng 3,4 tỷ USD cả năm. Còn sản phẩm gỗ, mặc dù những năm trở lại đây các doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ để chế biến, xuất khẩu, nhưng năm nay cũng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Nhóm mặt hàng thứ 5 là cơ khí, trong đó phụ tùng ô tô xe máy, mặc dù năm nay xuất khẩu chỉ đạt 200 triệu USD, nhưng nhóm hàng này được Bộ Công nghiệp coi là chiến lược xuất khẩu lâu dài. Ngoài ra các sản phẩm tàu thủy, phụ tùng nhà máy nhiệt điện, các công cụ, máy nông nghiệp vừa và nhỏ, đã tìm được thị trường xuất khẩu có tiềm năng.
Theo ước tính, năm 2006 ngành Công nghiệp sẽ đóng góp khoảng 40% vào GDP. Kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, theo nhận định chung, trong năm 2006, ngành Công nghiệp cũng chưa có sự đột phá tăng tốc của các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu. Vẫn có những ngành sức cạnh tranh yếu như thép, giấy... do chưa đảm bảo được nguyên liệu đầu vào, và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Bên cạnh đó là các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, mặc dù được coi là có thế mạnh, song do hoạt động manh mún, thiếu liên kết, nên kim ngạch xuất khẩu chưa tăng đột biến... Theo Bộ Công nghiệp, trong năm 2007, các doanh nghiệp phải tìm biện pháp gia tăng giá trị xuất khẩu bằng cách ưu tiên tập trung cho các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, giá trị gia tăng cao như cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử -máy vi tính, sản phẩm nhựa, thực phẩm chế biến. Và các doanh nghiệp phải chủ động giảm chi phí, hạ giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Nguyễn Vũ