Bổ sung việc thu hồi giấy phép không đúng đối tượng
Cơ bản đồng tình với các nội dung của 2 dự thảo Luật, các ĐBQH đề nghị, Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, ĐBQH Đỗ Đức Duy (Yên Bái) cho rằng: Tại các khoản 3, 4, 5 thuộc Điều 10 của dự thảo quy định về việc thu hồi đối với: giấy phép sử dụng; giấy phép kinh doanh; giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý vũ khí, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đã cấp cho tổ chức, doanh nghiệp khi loại giấy này cấp không đúng thẩm quyền. Cơ quan soạn thảo cần xem xét bổ sung ngoài việc cấp giấy phép không đúng thẩm quyền thì việc không đúng đối tượng cũng cần phải thu hồi giấy phép.
Về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp (Điều 35), đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét quy định rõ nội dung: Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp khi kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp cần phải có ý kiến đề nghị của cả 3 Bộ (Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) hay chỉ là ý kiến của một trong 3 Bộ này để thuận tiện cho việc thực hiện Luật khi được ban hành.
Bổ sung cảnh sát biển Việt Nam được phép sử dụng vũ khí quân dụng
Đóng góp thêm ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, điểm a khoản 4 Điều 3, dự thảo quy định: “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.
Tuy nhiên, trên thực tế, vũ khí thô sơ là dao dù có ngắn hơn 20cm vẫn có khả năng gây sát thương lớn, đặc biệt đối với các loại dao gấp, dao bấm có thể cất gọn trong người mà khó có khả năng phát hiện. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu giải thích từ ngữ đầy đủ đối với những loại dao khác có chiều dài lưỡi dưới 20cm tại điểm a khoản 4 điều 3 của dự thảo Luật.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng là Cảnh sát biển Việt Nam được phép sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ vào khoản 1 điều 19 và khoản 1 điều 53 dự thảo Luật để phù hợp với các nội dung đã được quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Quy định thời gian cần linh hoạt, phù hợp thực tế
Liên quan đến thủ tục trang bị vũ khí quân dụng (Điều 21, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho biết: quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 21 về thời hạn của “giấy phép trang bị vũ khí quân dụng có thời hạn 60 ngày” là chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Nhất là khi phải thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Bởi vậy, nên quy định từng trường hợp để bảo đảm tính linh hoạt, hạn chế phát sinh các thủ tục hành chính khi phải gia hạn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu lại đối với 2 giấy phép trang bị vũ khí quân dụng (Điều 21) và giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng (Điều 22) để bảo đảm các thủ tục hành chính không bị chồng chéo, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Về thời gian thực hiện cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại khoản 6, Điều 40 của dự thảo, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận cho rằng, quy định thời hạn 5 ngày là quá ngắn. Những địa phương có điều kiện địa hình phức tạp, đi lại khó khăn sẽ gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện. Do đó, cần điều chỉnh tăng thời gian thực hiện giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp lên 7 - 10 ngày.
Liên quan đến các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (Điều 24), ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị, nghiên cứu bổ sung thêm các loại tội phạm để người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với các đối tượng manh động, liều lĩnh. Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 42 cần bổ sung quy định yêu cầu tổ chức doanh nghiệp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cần phải bảo đảm phương án phòng ngừa, ứng phó phù hợp khi vận chuyển nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cũng kiến nghị, cần phát huy vai trò, hiệu quả trong công tác phối hợp của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể và Nhân dân trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, tăng nặng chế tài xử lý nghiêm các hành vi mua bán trái phép trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp ngày càng tinh vi.
Giải thích rõ cụm từ “thẻ, phù hiệu”
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Cảnh vệ, một số đại biểu cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; chế độ, biện pháp cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.
Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), tại điểm b, khoản 1, Điều 1 của dự thảo đã bổ sung khoản 8 vào sau khoản 6 như sau: “8. Kiểm tra an ninh, an toàn là biện pháp cảnh vệ được lực lượng cảnh vệ áp dụng để phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học, chất phóng xạ và các nguy cơ khác nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ”. Đại biểu kiến nghị, Ban soạn thảo xem xét bổ sung cụm từ “đồ dùng, vật phẩm”. Bởi, ngoài thức ăn, nước uống thì đồ dùng, vật phẩm cũng là những đồ vật rất dễ bị đầu độc.
Về sử dụng thẻ, phù hiệu tại điểm b khoản 1 điều 1 dự thảo Luật, đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị, làm rõ quy định về thẻ, phù hiệu và nghiên cứu, bổ sung 1 khoản giải thích đối với cụm từ “thẻ, phù hiệu”. Qua đó, tạo sự thống nhất thực hiện bởi các nội dung liên quan đến thẻ, phù hiệu chưa được quy định trong Luật Cảnh vệ và chưa có quy định giải thích rõ về cụm từ này.