Hỗ trợ hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, lĩnh vực công nghiệp nông thôn không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố nói chung mà còn tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập của người dân. Qua 10 năm tổ chức triển khai, công tác khuyến công của Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, đã đào tạo 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn, 16 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 800 lao động các tỉnh miền núi phía Bắc. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở nông thôn; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Từ đó, khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chương trình khuyến công của Ninh Bình cũng lan tỏa mạnh mẽ đến các địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Ninh Bình đã triển khai 31 đề án khuyến công quốc gia và địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,1 tỷ đồng. Các chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở công nghiệp thúc đẩy sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ... Chính sách khuyến công dần được hoàn thiện đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất. Công tác khuyến công trên địa bàn Ninh Bình hỗ trợ có hiệu quả, đúng hướng, đúng đối tượng, đúng múc đích phát huy được lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có của địa phương, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Hà Nội) Hà Thị Vinh nhấn mạnh, hiệu quả từ công tác khuyến công mà doanh nghiệp nhận được là rất lớn. Nhờ có nguồn vốn khuyến công hỗ trợ, doanh nghiệp đã đầu tư, ứng dụng công nghệ, qua đó cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường, lò nung sạch, bảo đảm xuất khẩu. Đến nay, gốm sứ Quang Vinh đã xuất khẩu đến 30 nước trên thế giới. Ngoài ra, công tác khuyến công cũng hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong khâu đào tạo, ứng dụng công nghệ số, các hội viên cũng được hưởng lợi trong quản trị…
Quan tâm hỗ trợ kinh phí
Kinh nghiệm Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, việc xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch khuyến công phải được phân công, phân cấp cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động khuyến công. Hằng năm ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình khuyến công bám sát nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn và khả năng cân đối ngân sách; thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các cơ chế chính sách của thành phố trong lĩnh vực công thương...
Các địa phương cũng cho rằng, để đạt mục tiêu năm 2024, chính sách khuyến công cần sớm được hoàn thiện trong thời gian tới. Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương cần quan tâm hơn nữa việc triển khai hoạt động khuyến công.
Cụ thể, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hòa Bình Hoàng Xuân Tiến kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ quy định các khoản hỗ trợ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như kinh phí hỗ trợ khuyến công là khoản thu nhập được miễn thuế; phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ quy định thống nhất duy trì ổn định mô hình tổ chức bộ máy các Trung tâm khuyến công trực thuộc Sở Công Thương là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước lĩnh vực công thương; bảo đảm nguồn chi thường xuyên hằng năm phục vụ cho các hoạt động công tác của đơn vị.
Cùng với đó, Cục Công Thương địa phương quan tâm ưu tiên bố trí kinh phí khuyến công quốc gia cho các tỉnh miền núi nói chung và Hòa Bình nói riêng. Đồng thời, xem xét tăng định mức hỗ trợ kinh phí cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay để khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển cụm công nghiệp; hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nam cho rằng, cần bám sát các quy định của Nhà nước về khuyến công; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện tốt hoạt động khuyến công; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn để hoàn thành đề án đúng tiến độ…