Với mục tiêu cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (Đề án 641). Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII đã ban hành các nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như công tác dân số trong tình hình mới, nhấn mạnh việc tập trung nâng cao thể lực, tầm vóc cho người Việt Nam. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 – 2025 (Đề án 41).
Quan điểm, chủ trương trên cho thấy tầm quan trọng của dinh dưỡng, giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ. Bởi một dân tộc khỏe mạnh cần quan tâm tới dinh dưỡng, giáo dục thể chất cho trẻ em từ nhỏ để tạo nguồn lực phát triển đất nước vững mạnh.
Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia cùng đánh giá việc thực hiện các đề án, chương trình thời gian qua để nâng cao thể lực cho học sinh (dinh dưỡng học đường, giáo dục thể chất…); làm rõ những khó khăn, bất cập trong giáo dục thể chất, bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh hiện nay và đề xuất các giải pháp để góp phần nâng cao thể chất cho học sinh, cũng là phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Tham dự tọa đàm, các đại biểu cho rằng, dù đã có những nỗ lực để bảo đảm nâng cao thể chất cho trẻ em, song so với tiêu chuẩn chung của quốc tế, thể lực và tầm vóc người Việt Nam còn khiêm tốn, thua kém nhiều nước trong khu vực. Tình trạng này nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực vốn đứng trước yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, các ý kiến đề xuất, cần có chương trình rèn luyện thể chất cho các em ở trường học cùng với đó nên nghiên cứu xây dựng một dự án luật về dinh dưỡng học đường. Ngoài ra, vấn đề xã hội hoá để có được vấn đề dinh dưỡng học đường. Đây là vấn đề rất quan trọng, chứ không thể dựa mãi vào ngân sách nhà nước.