Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến các bên liên quan và chuyên gia nhằm có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Tại phiên thảo luận về “Mô hình và các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khơi thông nguồn lực tài chính phát triển kinh tế - xã hội”, các đại biểu tập trung phân tích về các nguồn lực của nền kinh tế bao gồm: tài chính công, thị trường tiền tệ, thị trường vốn, và các nguồn lực khác như đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, bảo hiểm, đất đai,...
Theo các đại biểu, thời gian qua, nguồn lực tài chính chưa được phân bổ hiệu quả, thiếu cơ chế kết nối giữa các nguồn vốn trong và ngoài nước, công cụ tài chính hiện đại và các dịch vụ tài chính số chưa phát triển đồng bộ.
TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì nhiệm vụ tăng thu ngân sách nhà nước có vai trò quan trọng. Thời gian qua, chúng ta đã đẩy mạnh quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, mua bán online. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các mô hình kinh doanh mới vẫn đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý thuế. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách về thuế.
Theo TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách, hiện nay Nhà nước chưa đề cập đến thuế tài sản làm lãng phí rất lớn nguồn lực. Hầu hết các nước trên thế giới trong giai đoạn phát triển giá trị gia tăng từ đất đai sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư công rất lớn nhưng Việt Nam chưa làm được. Vì vậy, cần tái cơ cấu nguồn thu để có nguồn thu bền vững.
Cùng với đó, cần đổi mới phương thức đầu tư công. Thời gian qua đã có thay đổi rất lớn về phân bổ đầu tư công. Trước năm 2016, tổng tiền đầu tư công rất lớn nhưng số lượng dự án rất nhiều 10.000 – 15.000 dự án; hiện nay tổng tiền đầu tư công tăng gấp đôi nhưng số dự án chỉ khoảng 5.000.
Chúng ta phải tập trung định hướng thay đổi phương thức đầu tư dứt điểm những công trình cốt lõi tạo sự thay đổi. Đầu tư công không thể giải quyết tất cả những vấn đề xã hội cần mà là đầu tư công dẫn dắt thế nào, đầu tư công chọn khâu nào là nút thắt để giải quyết – ông Cường nhấn mạnh.
Để cải thiện và nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực tài chính, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp về phương thức đầu tư PPP một cách minh bạch và ổn định; tạo cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ tài chính phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư các dự án trọng điểm.
Ngoài ra, theo Chủ tịch IPPG, cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp cận vốn từ thị trường vốn quốc tế; mở rộng và cải thiện khung pháp lý để thu hút vốn ngoại. Chính phủ cần xem xét mở rộng room giới hạn sở hữu và điều chỉnh các chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào việc phát triển thị trường tài chính. Điều này không chỉ giúp tăng cường nguồn lực mà còn mang lại công nghệ quản trị hiện đại và tri thức tài chính tiên tiến.