Chương trình Thương hiệu quốc gia là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của chương trình; từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi.
Năm 2024, dù trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; kỳ xét chọn Thương hiệu quốc gia lần thứ 9 tiếp tục thu hút được sự quan tâm, tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước. Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 21.10.2024, Bộ trưởng Bộ Công thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành quyết định số 2776/QĐ-BCT công nhận 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.
Phát biểu tại Lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để "vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh". Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong.
Thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, doanh nghiệp không ngừng khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh; tận dụng lợi thế uy tín Thương hiệu quốc gia, đồng thời kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm với Thương hiệu quốc gia Việt Nam; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín của thương hiệu, tạo niềm tin vững chắc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với người tiêu dùng.
Với việc liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 9, Vietcombank tiếp tục khẳng định vị thế ngân hàng dẫn đầu hệ thống về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Với định hướng đến năm 2030 giữ vững vị trí ngân hàng số 1 tại Việt Nam, đứng trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu và đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, Vietcombank đặt mục tiêu dẫn đầu về quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG) thông qua Hệ thống Quản lý Môi trường Xã hội (ESMS) và Hệ thống Quản lý rủi ro Môi trường Xã hội, theo định hướng các Chỉ số Phát triển bền vững tại Việt Nam của Bộ tiêu chuẩn VNSI, từng bước hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững về ESG theo các chuẩn mực quốc tế.