Phát biểu đề dẫn, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, hiện nay việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng (EPC) đã được thực hiện tại nhiều dự án, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao. Đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng EPC đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư, cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu.
Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan còn chưa cụ thể hoặc chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng EPC còn nhiều khó khăn, các chủ đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu nên các dự án đầu tư theo hình thức EPC chưa phát huy được các lợi ích vốn có của hình thức này…
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức EPC. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này. Trong những năm qua, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, Kiểm toán Nhà nước đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó công tác kiểm toán các dự án đầu tư công được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, việc thực hiện theo hình thức Hợp đồng EPC vừa tạo điều kiện và sự bảo đảm để nhà thầu tăng thêm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thiết kế và xây dựng, vừa tạo ra cơ sở hợp tác tốt hơn với đơn vị tư vấn giám sát của chủ đầu tư trên công trường. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện dự án/gói thầu của nhà thầu có thể giảm do tiết kiệm được một số khoản chi phí từ việc phối kết hợp các khâu công việc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là chi phí trung gian.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quy định pháp lý cụ thể về loại hợp đồng EPC mà mới chỉ có một số quy định chung trong các Điều 30 và 31 của Nghị định số 48/2010/CP-NĐ về quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu, bên nhận thầu EPC, trong Điều 20 và 21 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và số 99/2007/NĐ-CP về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng. Chính vì vậy, việc thực hiện hợp đồng EPC có thể đối mặt với tình trạng các điều khoản trong hợp đồng EPC có thể được các bên hiểu và vận dụng khác nhau, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ và chất lượng công trình, đội vốn đầu tư... thậm chí phá vỡ hợp đồng. Đặc biệt đối với các trường hợp chọn nhà thầu EPC trong nước, các bên liên quan thường có cách hiểu, diễn giải khác nhau về nội dung hợp đồng, gây nhiều vướng mắc, tranh chấp trong quá trình thi công.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề về thực trạng quản lý, việc kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư công thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC; làm rõ nhiệm vụ và vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán các dự án thực hiện theo hình thức EPC, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia. Đồng thời, tập trung làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị được kiểm toán; đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm toán đối với các dự án thực hiện theo hình thức EPC.