Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc dự và phát biểu chỉ đạo kỳ họp.
Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quốc Chỉnh cho biết: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, chủ động, linh hoạt, tích cực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đạt được nhiều kết quả nổi bật trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng như: Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất triên địa bàn tỉnh...
Để Kỳ họp hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, dân chủ thảo luận, có nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung của kỳ họp. Đồng thời, đề nghị các đại biểu trên cơ sở cần tích cực phân tích, đánh giá các báo cáo, tờ trình, đề án trình tại kỳ họp để xem xét và thông qua các Nghị quyết đảm bảo chất lượng, đúng quy định của pháp luật, khả thi cao và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng nêu rõ: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong những tháng đầu năm; giá xăng dầu và các mặt hàng biến động mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ; hoạt động quyết liệt, chủ động của các Sở, ngành, đoàn thể, cùng sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực với 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh; kịp thời triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tiếp tục ổn định và có bước phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế tăng cao như: Tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 9,0% cao nhất từ trước đến nay; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14,3%; giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 3,05 tỷ USD tăng 14,4% so với năm 2021. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, không để xảy ra lây lan, bùng phát. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu, đến nay đã có 182/204 (89%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy đạt chuẩn nông thôn mới kiểm mẫu; toàn tỉnh đã có 251 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng và ngành điện lực đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Thu ngân sách ước đạt 8.000 tỷ đồng bằng 121% dự toán; tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 10%, dư nợ tín dụng ước tăng 15% so với đầu năm; sản lượng điện thương phẩm ước tăng 8,1% (trong đó cung cấp cho ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,9%).
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhất là hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp; nhiều công trình, dự án trọng điểm đang triển khai khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, trong đó tập trung kêu gọi, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đã có nhiều nhà đầu tư lớn (trong nước và quốc tế) quan tâm, khảo sát, nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số được cải thiện, tăng bậc so với năm trước. Hoàn thành và đưa vào hoạt động trụ sở mới của Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, tạo điều kiện phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng trang trọng, lịch sự, chuyên nghiệp…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế cần khắc phục. Trong đó, chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra; việc tổ chức xây dựng, thực hiện các loại quy hoạch chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ; thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số Sở, ngành, địa phương có thời điểm chưa nghiêm; một số cán bộ, công chức vi phạm pháp luật; tiến độ thi công và triển khai thủ tục của một số dự án còn chậm; công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh mặc dù đã được triển khai quyết liệt, song kết quả thực hiện tại một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến…
Năm 2023, Nam Định phấn đấu tổng sản phẩm GRDP tăng từ 9,0% - 9,5%; giá trị xuất khẩu đạt từ 3,3 tỷ USD trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 17,0% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 9.500 tỷ đồng…
Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách
Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đề nghị các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án, công trình, nhất là các dự án đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông để tăng cường giao thương liên kết vùng; xây dựng, phát triển kinh tế biển, ven biển trở thành cực tăng trưởng mới của tỉnh, kinh tế biển là động lực phát triển kinh tế của tỉnh thời gian tới. Sớm trình các cấp có thẩm quyền quyết định mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định. Hoàn thành các dự án: Tỉnh lộ 488B, 485+B; xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, cầu Bến Mới... Hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện thủ tục đầu tư KCN Hồng Tiến, KCN Trung Thành, huyện Ý Yên; KCN Hải Long huyện Giao Thủy (VSIP nghiên cứu) và nhiều khu, cụm công nghiệp ở các huyện...
Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về tìm hiểu đầu tư vào tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, góp phần phát triển xanh, bền vững, đóng góp nhiều vào ngân sách của tỉnh. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, suất khẩu và xúc tiến thương mại. Có giải pháp để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh trên bảng xếp hạng...
Kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra trong 2 ngày (8-9.12). Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ tiến hành xem xét và thông qua 35 nghị quyết.