Trong một thông cáo, quan chức đại diện FDA Jim Jones nêu rõ, các nhà sản xuất đã thực hiện cam kết tự nguyện không bán bao bì có chứa chất PFA để sử dụng làm vật liệu chống ngấm dầu mỡ. FDA cho biết thêm, nhiều công ty thức ăn nhanh và các nhà sản xuất khác đã chủ động ngừng sử dụng giấy gói có chưa hoá chất trên từ năm 2022, chẳng hạn như McDonald's, KFC...
Điều này đồng nghĩa nguồn tiếp xúc chính với PFAS trong chế độ ăn uống từ bao bì thực phẩm như giấy gói thức ăn nhanh, túi đựng bỏng ngô quay lò vi sóng, hộp giấy đựng thức ăn và túi đựng thức ăn cho vật nuôi sẽ bị dần loại bỏ. Dự kiến, phải mất hơn một năm, các bao bì thực phẩm có chứa hoá chất này mới có thể biến mất hoàn toàn trên thị trường.

Nghiên cứu cho thấy, PFAS có liên quan đến việc gây ra các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến mức cholesterol, chức năng của gan, hệ thống miễn dịch và một số loại ung thư. Giáo sư nhi khoa tại Trường Y UW ở Seattle, tiến sĩ Sheela Sathyanarayana chỉ ra rằng, các hóa chất PFAS thậm chí có trong sữa mẹ, và việc loại bỏ bao bì hóa chất là một “bước đi đúng hướng”.
Việc loại bỏ bao bì khỏi thị trường Mỹ sẽ giúp loại bỏ “nguồn phơi nhiễm chính qua chế độ ăn uống” từ một số hoạt động sử dụng tiếp xúc với thực phẩm nhất định. Song, tiến sĩ Sathyanarayana lưu ý rằng, bên cạnh các loại bao bì được nêu trên, PFAS cũng tích lũy trong thịt và sữa, đồng thời bà khuyên mọi người nên cắt giảm những thực phẩm đó. Ngoài ra, các sản phẩm tẩy rửa trong nhà được xử lý bằng hoá chất chống nước cũng được khuyến nghị hạn chế sử dụng.