Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 2023)

"Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao viết không nhiều, gần 60 bài thơ, trong đó có vài trường ca, nhưng là những thi phẩm vừa in dấu lịch sử chuyển động suốt một đời người, dọc theo thế kỷ, vừa nhấn thật sâu vào tư tưởng và tâm hồn để biến nó thành “Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy” (Trường ca Những người trên cửa biển - Văn Cao).

Vượt thoát bằng sáng tác

Tại hội thảo “Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao” sáng 8.11, nhà phê bình Hoài Nam cho biết, đường thơ Văn Cao được khởi đi từ giai đoạn cuối mùa của Thơ mới, với những bài thơ như Li khách, Linh cầm tiến, Ai về Kinh Bắc, Đêm ngàn, Đêm mưa... ra đời trong quãng thời gian từ 1939 - 1941. Đó đúng là những thi phẩm mang điệu hồn và âm sắc của Thơ mới. Tuy nhiên, những bài thơ ấy dễ bị lẫn vào hàng trăm bài thơ “đèm đẹp” khác mà Thơ mới đã từng sản sinh trong lịch sử bột phát của mình. Phải chờ đến Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, bài thơ mà Văn Cao viết vào mùa thu năm 1941, thì ông mới thực sự chiếm lĩnh cái đỉnh điểm của trường thơ lãng mạn.

Thơ Văn Cao đậm tư tưởng nhân văn và tinh thần duy mĩ. Nguồn: TL
Thơ Văn Cao đậm tư tưởng nhân văn và tinh thần duy mỹ. Nguồn: TL

Sự dấn thân của Văn Cao sau này, kể từ khi ông tham gia Việt Minh cuối năm 1944, cũng như của phần đông văn nghệ sĩ yêu nước và tiến bộ khác, như phân tích của nhà phê bình Hoài Nam, không chỉ là một hành động chính trị, mà nó còn có ý nghĩa như một sự chuyển dịch nhãn quan thẩm mỹ, một sự thay đổi ý thức sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ trong ông đã không còn tìm kiếm cái đẹp trong buồn, trong cô liêu và thơ mộng, ở những thiên đường diễm ảo như Thiên Thai, Suối mơ nữa, mà đẹp chính là ở cái thực tại này. Bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, viết năm 1945, về nạn đói ở miền Bắc, và bài Ngoại ô mùa đông năm 1946, viết năm 1946, về Hà Nội tiêu thổ sau ngày toàn quốc kháng chiến, là minh chứng hiển hiện cho sự chuyển đổi trong thơ Văn Cao thời đầu cách mạng, cách mạng nhưng vẫn rất Văn Cao.

Theo PGS.TS. Cao Thị Hồng, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, không phải ngẫu nhiên khi tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật của Văn Cao, Tạ Tỵ (1921 - 2004) đã phát hiện rằng: “Trong nỗi bơ vơ của kiếp người, lớn lên với bao nhiêu cực nhọc, chịu thiếu thốn thường xuyên về cơm ăn, áo mặc, Văn Cao mong vượt thoát bằng sự ước mơ, bằng trở lui về quá khứ thơ mộng, bằng đam mê với suy tư trong ảo ảnh xa lìa. Văn Cao muốn tự giải thoát bằng sáng tác”. Nhận định trên của Tạ Tỵ đã khẳng định yếu tố quan trọng nhất để làm nên Văn Cao, thi sĩ tài hoa của dân tộc đó là bản lĩnh vượt lên mọi giới hạn, mọi rào cản của thực tại khách quan để khẳng định nhân vị nghệ sĩ, để sáng tạo những tác phẩm văn nghệ đích thực, mang giá trị sâu sắc dâng tặng cuộc đời.

“Văn Cao để lại cho đời những áng thi ca độc đáo, những vần thơ cất lên từ trái tim chưa bao giờ yên ổn vì tình yêu thương con người, như một bản giao hưởng nhiều nốt lặng, trầm buồn, vang ngân xuyên thấu thời gian, khởi lên trong tâm thức bạn đọc những tái tê, da diết sẻ chia... Song, trên tất cả, đó chính là khát vọng, sự trăn trở của thi nhân về sự tồn tại người - một giá trị nhân bản độc đáo của thơ Văn Cao…”, PGS.TS. Cao Thị Hồng nhận định.

Chiêm nghiệm đậm chất triết luận

Nhiều ý kiến cho rằng, đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65... có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng buâng khuâng... nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu.

Với PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, thơ Văn Cao độc đáo bởi đó là sản phẩm của những chiêm nghiệm sâu sắc đậm chất triết luận. Sâu đến mức lặng lẽ, sự lặng lẽ xoáy xiết của sóng ngầm: như viên đá rơi vào im lặng. Vì biết đào sâu vào lõi trầm đời sống mà Văn Cao bỏ qua cái sặc sỡ thời thượng bề ngoài để “xuyên tường” tìm ngọc: Những tiếng hát đuổi nhau trên các ngọn núi/ Còn lại một hồ nước/ Trên họng một ngọn núi cạn lửa (Cạn). Từ những tình thế và các mối tương quan trong đời sống thường nhật, ông đẩy đến cùng mạch suy tư, chiêm nghiệm để ngộ ra những điều sâu xa của thế giới, nhân tâm.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, sự độc đáo của Văn Cao là ở chỗ, thực tại trong thơ ông không hiện lên theo chiều tuyến tính hay cấu trúc mặt phẳng mà luôn biến ảo và chuyển động. Bên cạnh sự nhạy cảm thiên phú, gốc rễ tạo nên tầm vóc Văn Cao, là chiều sâu tư tưởng và ý thức mài sắc cá tính. Đó là tư tưởng nhân văn và tinh thần duy mỹ. Nhân văn giúp Văn Cao biết căm ghét ngụy tạo, giả dối, biết yêu tự do và gắn bó số phận mình với số phận dân tộc. Duy mỹ giúp Văn Cao đề cao cái đẹp và sự thanh khiết của những giá trị tinh thần. Ý thức xác lập cái riêng trong nghệ thuật đã giúp cho cách nói của Văn Cao là tiếng hát của chàng Trương Chi hiện đại không hề bị lẫn, lặp. Mặc dù hấp thụ tư tưởng nghệ thuật phương Tây và khí quyển văn hóa thời đại nhưng việc bám sâu vào gốc rễ văn hóa phương Đông đã giúp cho Văn Cao biết cách chiết xuất nguồn dưỡng chất này thành nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân.

Nhà phê bình Hoài Nam khẳng định, với những bài thơ viết riêng về Hải Phòng, Hà Nội và Huế của Văn Cao, đó như là những trút gửi tâm sự cùng bạn bè thân thiết nhất của ông (Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyên Hồng, Dương Tường). Tất cả đều lạ và hay. Đặc biệt là ở bước ngoặt thứ hai trong đời nghệ thuật, cuối năm 1956, đầu năm 1957, Văn Cao đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tiếp tục công cuộc hiện đại hóa thi ca Việt Nam. Về cơ bản, thơ ông vẫn nằm trong khuôn khổ của thơ “dòng ý”, tức là vẫn phải tải nghĩa chứ chưa phá cách vượt ngưỡng như những thơ “dòng chữ” mà Trần Dần, Lê Đạt hoặc Đặng Đình Hưng, Dương Tường theo đuổi. Nhưng thơ “dòng ý” của ông đã khác xa với thơ “dòng ý” truyền thống, chủ yếu bởi sự thâm nhập của tư duy hội họa và âm nhạc.

Có thể nói, Văn Cao đã có đủ để trả nợ cho tiếng Việt, và đủ để trả nợ cho cuộc đời đầy những ngổn ngang này, như ông giãi bày: Cuộc đời ôm tôi như trong cái bình/ Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy.

Văn hóa - Thể thao

Biến di sản thành “kho vàng, kho bạc”
Văn hóa - Thể thao

Biến di sản thành “kho vàng, kho bạc”

Chứa đựng những giá trị tinh thần sâu sắc của dân tộc, di sản văn hóa phi vật thể dù không có hình hài cụ thể, nhưng lại có thể được chuyển hóa thành tài sản vật chất, thành “kho vàng, kho bạc”. Khi được khai thác, di sản văn hóa phi vật thể sẽ trở thành cảm hứng sáng tạo nên sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk
Văn hóa - Thể thao

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk

Sáng 22.11, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22.11.1904 - 22.11.2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024).

Quảng Nam đăng cai hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của UN Tourism
Văn hóa - Thể thao

Quảng Nam đăng cai hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của UN Tourism

Ngày 22.11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UN Tourism và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng du lịch tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism, từ ngày 9 - 11.12, tại Quảng Nam.

Hình ảnh tại triển lãm 3D. ảnh: TTLTI
Văn hóa - Thể thao

Lịch sử Kiên Giang qua hình ảnh và tài liệu lưu trữ

Với hơn 200 tài liệu, bản đồ lần đầu tiên được công bố, triển lãm 3D trực tuyến “Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang xưa và nay” nhằm lan tỏa giá trị của tài liệu lưu trữ, tạo thuận lợi cho người xem dễ dàng tiếp cận thông tin về địa giới hành chính Kiên Giang qua các thời kỳ.

Đội tuyển Việt Nam có 3 trận đấu tập tại Hàn Quốc
Văn hóa - Thể thao

Đội tuyển Việt Nam có 3 trận đấu tập tại Hàn Quốc

Hôm nay, 21.11, đội tuyển Việt Nam hội quân chính thức bước vào đợt tập trung quan trọng để chuẩn bị cho Giải vô địch Đông Nam Á - ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Thầy trò HLV Kim Sang Sik sẽ có đợt tập huấn 10 ngày tại Hàn Quốc với 3 trận đá tập nhằm kiểm tra, đánh giá lực lượng và hoàn thiện lối chơi.

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa
Văn hóa - Thể thao

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa

Triển lãm "Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở" quy tụ các nghệ sĩ: Nguyễn Phương, Minh Đàm, Thanh Hà, Đình Đức, Phương Thảo và Đức Tiến. Đây là không gian để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và độc đáo của nghệ thuật màu nước.