Ô nhiễm do phát thải của các phương tiện giao thông đường bộ rất lớn
Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11.2021, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ có nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa các mục tiêu này. Trong đó, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội: Về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đưa mục tiêu này vào Nghị quyết và các cấp các ngành hiện nay đang tập trung triển khai thực hiện.
Cho rằng, đây là bước đi quan trọng thể hiện trách nhiệm của chúng ta cùng với cộng đồng quốc tế trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu, song theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, điều này cũng đặt ra thách thức lớn với đất nước khi còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế khiêm tốn, nhưng cũng tạo ra cơ hội đối với đất nước để làm sao nhanh chóng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững, với các mục tiêu cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Cũng theo ông Thi, ngành giao thông vận tải có vai trò quan trọng trong việc thực hiện 2 chuyển đổi lớn này. Hiện nay ô nhiễm không khí do nhiều hệ quả khác, trong đó, ô nhiễm do phát thải của các phương tiện giao thông đường bộ rất lớn. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, mức độ ô nhiễm rất đáng quan ngại, ông Thi nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội cho rằng, vấn đề nổi cộm nhất của các đô thị lớn là tỷ lệ phương tiện tham gia giao thông. Phương tiện ở cường độ cao, thì mức độ phát thải cao và xu hướng tăng dần hàng năm, ô nhiễm trong giao thông vận tải chiếm 70% ô nhiễm trong đô thị.
Ngoài tăng phương tiện giao thông, thì ô nhiễm môi trường còn có nguyên nhân từ những vấn đề khác nữa, trong đó có ùn tắc giao thông và thói quen sử dụng phương tiện. Hiện nay tỷ lệ người dùng xe máy ở nước ta rất cao. Trong khi ô tô chúng ta quản lý được. Mỗi lần kiểm định sẽ kiểm soát chất lượng phương tiện, kiểm soát độ phát thải ra môi trường, bảo đảm vệ sinh môi trường nhưng theo ông Hải, việc “quản lý xe máy đang là vấn đề”. Chúng ta có nhiều chương trình, xây dựng tiêu chuẩn khí thải cho xe máy, tổ chức các trạm đăng kiểm, kiểm soát vi phạm cho xe máy nhưng trên thực tế chúng ta chưa thực hiện được, ông Hải nhấn mạnh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ để quản lý phương tiện giao thông
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được yêu cầu giao thông xanh cần rất nhiều giải pháp. Trong đó, ông Tạ Đình Thi cho rằng, công nghệ, hạ tầng, quản trị, nhận thức, thói quen… là những vấn đề chúng ta cần quan tâm để thời gian tới thực hiện chuyển đổi xanh trong ngành giao thông vận tải. Các nước phát triển đã đưa ra tiêu chuẩn, thể chế chính sách để tạo chuyển đổi xanh nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Cùng với đó là phát triển thương mại hóa các sản phẩm công nghệ nhằm giảm giá thành để phương tiện giao thông đường bộ chuyển sang sử dụng công nghệ, nhiên liệu xanh được hỗ trợ tài chính hợp lý.
Nâng cao hiệu quả quản lý đối với phương tiện giao thông xanh, không chỉ là công nghệ mà cần có nhóm chính sách khuyến khích việc thay đổi, nâng cao hiệu quả việc vận tải hàng hóa, vận tải con người, áp dụng kinh nghiệm của các nước… đây là những giải pháp rất quan trọng, cần thiết, có ý nghĩa lớn. Cần luật hóa càng sớm càng tốt theo hướng không nên hạn chế mà cần bổ sung các quy định đối với các mô hình vận tải.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu
“Dù có nhiều thách thức nhưng cơ hội của chúng ta thực hiện chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải là rất lớn. Chúng ta đang tiếp cận và đưa ra hành động cụ thể, triển khai cụ thể trong công tác quy hoạch, rồi chuyển đổi nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng… nhằm tạo ra bước thay đổi và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết”, ông Thi nhận định.
Chúng ta hiện nay đang e dè trong chuyện đi chung xe. Tôi cho rằng với trình độ quản lý công nghệ như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể xây dựng được App ứng dụng cho xe hợp đồng. Khi có App đó, chúng ta quản lý limousine hay xe chung, xe ghép… quá đơn giản. Hành khách có nhu cầu truy cập App là hiển thị thông tin xe đi, đến thuận lợi cho công tác quản lý. Vì sao xe limousine hiện nay hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn bởi không chỉ sự thuận tiện mà cạnh tranh được cả về giá vì hiện họ đang trốn thuế. Nếu chúng ta có ứng dụng App đó sẽ không có cơ hội cho chủ xe trốn thuế.
Hiện nay chúng ta đang thu thuế với dịch vụ của Grab và Be. Do đó, nếu thu được thuế đối với dịch vụ vận tải của xe limousine thì khả năng cạnh tranh với các loại hình dịch vụ công cộng tuyến cố định sẽ khác. Chúng tôi rất mong muốn, trong dự thảo Luật Đường bộ lần này Quốc hội có sự quan tâm, định hướng đến vấn đề này để có thể quản lý hiệu quả phương tiện giao thông và cơ quan quản lý bớt e dè khi thực hiện.
Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải
Mục tiêu năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0, ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, không nên nghĩ rằng Việt Nam khó thực hiện được bởi trên thực tế, 5 triệu ô tô hiện tại, nghe có vẻ lớn nhưng mới bằng 1/6 Thái Lan. Do đó, cần phải xác định, nếu để đến khi mật độ 300 xe/1.000 dân mới chuyển đổi giao thông xanh thì e hơi muộn. “Chúng ta mạnh dạn chuyển đổi ngay từ bây giờ vì thị trường để các nhà đầu tư, hoặc sản xuất hoặc nhập khẩu phương tiện chạy điện và năng lượng sạch còn rất lớn”, ông Hùng nói.
Một trong những giải pháp để tạo nên giao thông xanh, là cần tiến tới hạn chế dần xe chạy xăng. Về vấn đề này, ông Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta không thể cấm và cũng không nên tiếp cận theo khía cạnh cấm sử dụng xe chạy xăng, mà nên tiếp cận theo khía cạnh tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo đó, sẽ tăng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của xe xăng lên, giá thành sản xuất cũng sẽ tăng lên, điều này sẽ giảm cạnh tranh với xe điện.
Nhấn mạnh vai trò của công nghệ để quản lý phương tiện giao thông, ông Tạ Đình Thi cho rằng, nhiều nước áp dụng từ lâu. Chúng ta cần có công cụ, phương tiện, các App để tạo thuận lợi cho người quản lý cũng như người tiêu dùng. Nhưng ở góc độ nhà quản lý, nhà làm chính sách cần quan tâm sớm làm sao đưa ra các quy định. Đơn cử về hạ tầng, một số nước có đường riêng để cho các phương tiện chở nhiều người, ví dụ xe chở trên 10 người có quyền đi vào đường đó, thì thuế hay chi phí giảm; người tiêu dùng có thể được giảm giá hơn; chủ phương tiện có thể có chính sách ưu đãi để khuyến khích người sử dụng những dịch vụ vận tải đó một cách hiệu quả.
Theo ông Tạ Đình Thi, để bảo đảm giao thông xanh cần có sự đồng bộ, từ mạng lưới, các nút giao thông, trục đường, ứng dụng công nghệ… Chúng ta nói nhiều chính sách nhưng tổ chức thực hiện rất quan trọng. Ngoài ra, vấn đề rất quan trọng khác nữa đó là nhận thức của chúng ta đối với vấn đề này như thế nào và cần có lộ trình phù hợp để chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phù hợp với quy mô nền kinh tế và “túi tiền” của người dân. Chúng ta áp dụng công nghệ mới, sử dụng phương tiện văn minh rất tốt nhưng chi phí như thế nào. Nhà nước cần quan tâm và có chính sách để cộng đồng, người dân sử dụng thành tựu công nghệ, phương tiện văn minh hiện đại, vừa giúp tiện ích cho người tiêu dùng nhưng cũng phục vụ mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh, hiện đại.