Đó là cảnh báo cả các bác sĩ, chuyên gia tại Tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh” do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức.
Nhiều người trẻ suy thận
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam Ths. Nguyễn Hữu Tú cho biết, xu hướng trẻ hóa của các bệnh mạn tính đang trở thành lo ngại lớn tại Việt Nam. Trước đây, các bệnh như đột quỵ, cao huyết áp, đái tháo đường và suy thận thường xuất hiện chủ yếu ở người cao tuổi, nhưng những bệnh này ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi.
Cụ thể, về bệnh đột quỵ, theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), có đến 10% người bị đột quỵ thuộc độ tuổi 18 - 35. Tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi mắc cao huyết áp đang gia tăng, chiếm khoảng 5 - 12%. Trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường gặp ở người từ 45 - 65 tuổi, nhưng hiện nay, nhiều trường hợp dưới 20 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh này.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi. Đáng chú ý, có sự gia tăng và biến đổi của các yếu tố nguy cơ, trong đó có tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) PGS. TS Võ Thành Toàn chia sẻ, bệnh thận mạn là một vấn đề sức khỏe hết sức nghiêm trọng tại Việt Nam và trên thế giới. Nó được ví như kẻ giết người hàng loạt vì thời gian đầu các triệu chứng của bệnh hết sức mơ hồ, không rõ ràng. Người mắc cũng sẽ chủ quan, cho đến khi phát hiện bệnh thì đã tiến triển nặng.
Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023). Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỷ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Đưa ra kết quả nghiên cứu mới được công bố của Trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tú khẳng định, mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống.
“Từ thực trạng trên, ngành Y tế đã đưa ra một số kiến nghị. Do tỷ lệ thanh thiếu niên gia tăng sử dụng thuốc lá mới, đề nghị Quốc hội kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn, bao gồm cấm sử dụng, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, Phó Chủ tịch Trung ương Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh.
AI hỗ trợ sàng lọc và phát hiện bệnh sớm
Theo PGS. TS Võ Thành Toàn, suy thận mạn là căn bệnh phổ biến với tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho cả người bệnh và hệ thống y tế. Tại Việt Nam, bệnh thận mạn hiện đứng thứ 8 trong các nguyên nhân gây tử vong, nhưng nhận thức của người dân về bệnh lý nguy hiểm này vẫn còn hạn chế. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường giáo dục cộng đồng, kết hợp với các chương trình sàng lọc và phát hiện sớm nhằm cải thiện tình hình.
Thực tế, trong đợt triển khai Chương trình Careme tại Bệnh viện Thống Nhất, với hơn 600 người tham gia, đơn vị phát hiện ra 11,18% người tham gia có vấn đề về thận, trong đó tỷ lệ ở nam giới là 14,19%, cao hơn đáng kể so với nữ giới, là 8,22%. Đây là những kết quả của những nghiên cứu nhỏ. Tuy nhiên, những con số này là lời cảnh báo rõ ràng, cho thấy nhiều người Việt có nguy cơ mắc bệnh thận nhưng chưa được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trước thực trạng đó, PGS. TS Nguyễn Thành Toàn cho rằng, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh mạn tính và những yếu tố nguy cơ để phòng, tránh. Thì người dân cũng nên khám sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh…
Trong tương lai, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng hỗ trợ trong việc phát hiện sớm và kiểm soát bệnh thận mạn, đặc biệt là các khu vực ít, khó tiếp cận được với dịch vụ y tế. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác và hiệu quả tối ưu của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần có sự tham gia chặt chẽ của đội ngũ y, bác sỹ, chuyên gia y tế trong quá trình đánh giá điều trị và dán nhãn các thủ tục của thuật toán. Những nỗ lực này sẽ góp phần giảm thiểu gánh nặng về bệnh thận mạn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và giảm áp lực cho hệ thống y tế, bảo đảm tầm vóc sức khoẻ của người dân trong tương lai.