Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe toàn cầu, đồng thời còn đặc biệt chú trọng vào sức khỏe bà mẹ, trẻ em - nhóm đối tượng quan trọng trong việc xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, từ năm 1950, ngày 7.4 được lấy làm Ngày Sức khoẻ Thế giới với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là những thách thức sức khỏe mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt.

Ngày Sức khoẻ Thế giới năm 2025 được Tổ chức Y tế Thế giới phát động với chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng” nhằm thúc đẩy các quốc gia và cộng đồng quốc tế tăng cường những nỗ lực trong việc bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em để dự phòng, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, tử vong ở bà mẹ, trẻ em với ưu tiên mang lại hạnh phúc lâu dài của phụ nữ.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, quyền của phụ nữ và trẻ em là một bộ phận không thể tách rời trong quyền con người và luôn được bảo vệ đặc biệt trong xã hội. Các cam kết quốc tế về quyền con người (Hiến chương Liên hiệp quốc 1945; Tuyên ngôn quốc tế 1948…) dành sự quan tâm đặc biệt đến quyền phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là quyền được giáo dưỡng và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 300.000 phụ nữ tử vong khi mang thai hoặc sinh con và hơn 2 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu tiên sau khi sinh; ước tính cứ 7 giây lại có 1 ca tử vong có thể phòng ngừa được.

“Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhưng có vai trò quyết định tới tương lai phát triển của đất nước, vì vậy phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ, trẻ em luôn có sự ưu tiên hàng đầu. Việt Nam luôn thể hiện những nỗ lực trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững,” Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Trong nhiều năm qua, công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình quốc gia, đặt ra nhiều các mục tiêu về phòng bệnh, chăm sóc, bảo về sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chiến lược, chương trình hành động quốc gia: Chiến lược Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam, Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng; Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030; Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam…

Trong thời gian tới, Bộ Y tế khẳng định sẽ đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho sự phát triển. Ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế để triển khai các giải pháp trọng tâm, nhằm giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận tới các dịch vụ y tế chất lượng, hiệu quả, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Chia sẻ bên lề buổi lễ, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho biết, chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay là lời nhắc nhở sâu sắc về vai trò của chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn của cuộc sống, đặc biệt là giai đoạn khởi đầu, từ sức khỏe tiền sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vốn là nền tảng cho một dân số khỏe mạnh, trí tuệ và phát triển bền vững.

Với hơn 20 triệu thanh niên, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng - một cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên. Tuy nhiên, cơ hội chỉ trở thành hiện thực khi mỗi bạn trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng, từ trước khi làm cha, làm mẹ.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam luôn xác định chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe bà mẹ - trẻ em là một trong những nội dung trọng tâm trong việc triển khai Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và là những nội dung quan trọng trong thực hiện hiệu quả Luật Thanh niên.