Rác thải điện tử (e-waste) là những sản phẩm điện hoặc điện tử ở vòng đời cuối như hư hỏng, lỗi thời... và những loại rác này có thể đem tái chế được. Tuy nhiên, trong loại rác thải này thường chứa nhiều các chất độc chì, thủy ngân... đe dọa đến môi trường và sức khỏe của con người.
Những con số đáng lo ngại
Báo cáo cho thấy, vào năm 2022, thế giới đã tạo ra 62 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 82% so năm 2010. Số rác thải này có thể lấp đầy hơn 1,5 triệu chiếc xe tải có trọng tải 40 tấn. Với tình trạng này, ước tính vào năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng thêm 32%, lên 82 triệu tấn.
Chuyên gia khoa học cấp cao của Viện Đào tạo và nghiên cứu của LHQ, ông Kees Baldé cho biết, thông thường mỗi người dân ở một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ có thể tạo ra tới 20kg rác thải điện tử mỗi năm. Các chuyên gia ước tính khoảng 800.000 tấn rác thải điện tử cũ hàng năm đang được chuyển từ các nước phát triển sang các nước ở Nam bán cầu. Số lượng các tấm pin mặt trời bị lãng phí đang tăng nhanh chóng, dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay vào năm 2030. Đó là nguyên nhân chủ yếu tạo nên rác thải điện tử.
Không chỉ vậy, khoảng 1,39 tỷ chiếc điện thoại di động đã được bán trên toàn cầu và ước tính hơn 5 tỷ chiếc đã bị vứt đi vào năm 2023.
Mặc dù số lượng rác thải điện tử tăng chóng mặt, nhưng công suất tái chế lại không theo kịp đà tăng này; báo cáo của LHQ tính toán kể từ năm 2010, tốc độ tăng trưởng của rác thải điện tử đã nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của hoạt động thu gom và tái chế chính thức gần gấp 5 lần. Chẳng hạn, trong tổng số sản phẩm điện tử bị bỏ đi trong năm 2022, chỉ khoảng 22,3% được thu gom và tái chế.
Người sáng lập và Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Mạng lưới hành động Basel Jim Puckett đánh giá kết luận báo cáo nói trên của LHQ là “ảm đạm”. Những con số trong báo cáo cho thấy, các nhà sản xuất đang thể hiện “sự thiếu trách nhiệm” về những gì xảy ra với sản phẩm của họ khi hết vòng đời.
Mối nguy hại đối với môi trường và con người
Sự bùng nổ về rác thải điện tử hiện nay có thể trở thành mối nguy hại lớn cho môi trường và con người, vì phần lớn rác thải điện tử có vi mạch điều khiển chứa các thành phần độc hại như thủy ngân, bromua… Khi chúng bị vứt bỏ, các chất này có thể rò rỉ và ngấm vào đất, vào nguồn nước gây ô nhiễm môi trường.
Khi con người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với rác thải điện tử (như sử dụng nguồn nước hay ăn uống thực vật trồng ở khu vực nhiễm độc do rác thải) sẽ có nguy cơ mắc phải các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và thậm chí là có thể bị ung thư.
Hơn nữa, sản xuất các thiết bị điện tử đòi hỏi sử dụng nhiều tài nguyên và năng lượng. Khi các thiết bị này trở thành rác, nếu không được tái chế và xử lý, các tài nguyên quý hiếm như kim loại quý, đồng, bạc, vàng… theo đó cũng sẽ bị lãng phí.
Không những vậy, kể cả khi người tiêu dùng không còn sử dụng các thiết bị như laptop, smartphone... những sản phẩm này khi hết vòng đời nếu không được xử lý và loại bỏ các dữ liệu đúng cách, sẽ có nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, đánh cắp thông tin cá nhân...
Cần chung tay hành động
Ông Jim Puckett khẳng định, tác hại của rác thải điện tử đến môi trường, khí hậu và sức khỏe con người là điều không phải bàn cãi. Do đó, việc quản lý và xử lý rác thải điện tử đúng cách sẽ giúp giảm tình trạng ô nhiễm toàn cầu.
Trên thực tế, việc tái chế kim loại từ rác thải điện tử thay vì chiết xuất nguyên liệu thô mới, đã giảm được khoảng 52 triệu tấn khí thải CO2 vào năm 2022. Việc quản lý tốt hơn chất thải điện tử như tủ lạnh và máy điều hòa không khí thải ra chất làm lạnh như chlorofluorocarbons - loại khí nhà kính mạnh, cũng có thể làm giảm tác động khí hậu của chất thải này.
Mặc dù mối lo ngại toàn cầu về rác thải điện tử ngày một tăng, song chỉ có 81 quốc gia có chính sách về rác thải điện tử vào năm 2023, trong đó có EU và Ấn Độ; tại Ấn Độ, từ lâu người dân đã có thói quen sửa chữa các đồ bị hỏng thay vì mua mới. Thói quen này đã giúp hạn chế việc vứt bỏ sản phẩm điện tử. Trong điều kiện những thiết bị không thể sửa được, chúng sẽ được thu gom và phân tách. Linh kiện còn có thể sử dụng hoặc tái chế sẽ được để riêng để bán cho thương lái.
Tại châu Âu, vào đầu năm nay, Nghị viện châu Âu (EP) đã ủng hộ mạnh mẽ quyền được sửa chữa ở tất cả 27 quốc gia thành viên. Một số quốc gia còn phát phiếu sửa chữa, bảo hành cho người dân, chi phí sẽ do nhà nước chi trả. Pháp cũng dán tem khả năng sửa chữa lên sản phẩm để người dân nắm được thông tin trước khi chọn mua.
Tuy nhiên tại Mỹ - một trong những quốc gia có lượng rác thải điện tử lớn nhất thế giới, vẫn chưa có luật liên bang quy định việc tái chế đồ điện tử. Duy chỉ riêng thủ đô Washington D.C đã thực hiện các quy định về loại rác thải nói trên.
Theo ông Baldé, ngay cả ở những nơi có luật về rác thải điện tử, việc thực thi "vẫn là một thách thức không nhỏ". Do đó, một trong những cách tốt nhất để bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải điện tử là các nước phát triển cần chấm dứt việc mang rác thải điện tử đến các quốc gia không có khả năng giải quyết chúng. Vì ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, rác thải điện tử đều được đưa đến bãi chôn lấp do hệ thống tái chế không có khả năng xử lý, từ đó đe dọa gây ô nhiễm và tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, chuyên gia của LHQ còn kêu gọi các nước trên thế giới cần đầu tư hơn nữa vào phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy việc sửa chữa và tái sử dụng, ngăn chặn vận chuyển rác thải điện tử bất hợp pháp…Bên cạnh những nỗ lực của chính phủ, ý thức và trách nhiệm đối với các vấn đề về rác thải điện tử của người tiêu dùng, ngành công nghiệp sản xuất, chính quyền các địa phương cũng cần được nâng cao hơn nữa.