Mở rộng thẩm quyền, rút gọn quy trình giải thích pháp luật

Đó là một trong những ý kiến thảo luận về những vấn đề tồn tại trong quy trình giải thích pháp luật của các chuyên gia tại Hội thảo với chủ đề "Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh và hướng dẫn áp dụng pháp luật", do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 13.12.

Nâng hiệu quả thực thi pháp luật

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra một số hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và yêu cầu phải hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bảo Ngọc
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bảo Ngọc

Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Tư pháp đang thực hiện. Đây là động thái nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đồng thời đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn hiện nay. Thực tế đó đòi hỏi phải có những cải cách mạnh mẽ trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt trong quy định giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết, giải thích pháp luật là việc làm rõ hơn về tinh thần, nội dung, phạm vi, ý nghĩa và mục đích các quy định của pháp luật so với nội dung ban đầu, giúp mọi người hiểu và thực thi các quy định của pháp luật một cách chính xác và thống nhất. Thông qua việc làm rõ nội dung, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật, giải thích pháp luật sẽ giúp các chủ thể pháp luật hiểu chính xác và thống nhất quy định của pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của các chủ thể, giúp họ tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật một cách hợp pháp; kiềm chế và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật do không nhận thức đúng các quy phạm pháp luật.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ đã chỉ ra rằng, quy trình giải thích hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải đổi mới quy trình theo hướng "nhanh, gọn, nhẹ". Theo quy định hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; tuy nhiên chưa có quy định nào về việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhiều chuyên gia đề nghị, mở rộng chủ thể khác được quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật, có thể theo hướng trao quyền cho Tòa án hoặc quy định cơ quan nào ban hành văn bản thì cơ quan đó có trách nhiệm giải thích. Điều này nhằm bảo đảm, các văn bản quy phạm pháp luật được hiểu và áp dụng một cách thống nhất trên toàn quốc.

Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan

Một vấn đề quan trọng đã được các đại biểu đưa ra là công nhận giá trị pháp lý của văn bản giải thích pháp luật. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, vai trò của giải thích pháp luật là giúp người dân hiểu rõ ý chí và mục tiêu của những người xây dựng luật trong bối cảnh cụ thể. Do đó, việc công nhận giá trị pháp lý của văn bản giải thích là rất quan trọng.

Để nâng cao chất lượng giải thích pháp luật, đối với văn bản dưới luật, cơ quan nào ban hành văn bản thì cơ quan đấy phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn thực hiện; đồng thời, Nghị định không chỉ nhằm quy định chi tiết mà còn hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, cũng cần phải đơn giản hoá quy trình giải thích để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Theo ông Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là khá lớn, vì vậy công tác giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật rất cần thiết để mọi người hiểu chính xác, thống nhất các quy định pháp luật. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để đổi mới tư duy về quy trình xây dựng và giải thích pháp luật, nhằm đưa hệ thống pháp luật vào một kỷ nguyên mới, đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn yêu cầu đa dạng của thực tiễn xã hội.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, trong thế giới hiện đại, hệ thống pháp luật cần phải phát triển theo xu hướng đơn giản hóa, nhanh chóng và hiệu quả để có thể phản ứng chính xác trước những biến đổi của xã hội. Quy trình giải thích pháp luật cần được cải cách theo hướng ngắn gọn, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và thiết lập đầy đủ giá trị pháp lý cho các văn bản giải thích, nhằm bảo đảm tính hợp pháp và rõ ràng trong áp dụng pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp. Theo đó, phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài…

Pháp luật

Hình ảnh minh họa/ITN
Giải đáp pháp luật

Tài sản trên đất, giá trị tài sản còn lại của người có đất thu hồi do vi phạm pháp luật đất đai được xử lý như thế nào?

Xin hỏi, trường hợp nào thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai? Tài sản trên đất, giá trị tài sản còn lại của người có đất thu hồi do vi phạm pháp luật đất đai được xử lý như thế nào? – Câu hỏi của bạn Đức Phát (Hải Dương).

Cái giá phải trả cho những lần 'nẹt pô, rú ga, mang hung khí' trên đường phố
Pháp luật

Cái giá phải trả cho những lần 'nẹt pô, rú ga, mang hung khí' trên đường phố

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ việc đua xe trái phép, sử dụng đèn xe máy có ánh sáng mạnh, lắp còi hú, nẹt pô, rú ga và sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí do nhóm thanh, thiếu niên thực hiện. Hành vi này vừa gây nguy hiểm cho chính người tham gia vừa là mối đe dọa trực tiếp đến trật tự trị an xã hội.

Phối hợp ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại
Pháp luật

Phối hợp ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại

Theo thông tin tại Tọa đàm "Nâng cao hiệu quả hợp tác trong chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ" do Tạp chí Hải quan tổ chức, các chuyên gia đều có chung nhận định, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường.