"Hẹn nhau đi đua" trên không gian mạng
Tình trạng thanh, thiếu niên thường xuyên tụ tập điều khiển mô tô xe gắn máy chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng... sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí gây nỗi ám ảnh, thậm chí khiếp sợ cho người tham gia giao thông. Đáng nói, các phương thức, thủ đoạn của các nhóm đua xe trái phép ngày càng tinh vi nên việc bắt giữ, xử lý gặp khó khăn.
Các đối tượng đua xe thường thông qua các ứng dụng mạng xã hội để kêu gọi tụ tập thành từng nhóm nhỏ, không theo quy luật, có thể tụ tập bất kỳ đêm nào trong tuần, phóng nhanh, lạng lách với các nhóm hàng chục xe.
Những xe đua trái phép là xe biển số giả, che biển số hoặc không biển số khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác minh, xử lý. Đặc biệt, trong các cuộc đua, các đối tượng thường không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông như vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, và thậm chí thực hiện các pha vượt ẩu nguy hiểm.
Đơn cử, vụ việc xảy ra đêm ngày 3.11, một cô gái (27 tuổi ở Hà Nội) đã tử vong tại chỗ do bị các đối tượng thanh thiếu niên đua xe trái phép gây tai nạn tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu.Vụ việc đã khiến cộng đồng không chỉ bàng hoàng, xót xa, mà còn dấy lên sự phẫn nộ đối với hành vi coi thường pháp luật của những thanh thiếu niên đua xe.
Hay mới đây, Công an TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã bắt nhóm 20 thanh thiếu niên mang theo hung khí và vỏ chai bia, phóng xe với tốc độ cao trên một số tuyến đường của TP. Ninh Bình với mục đích tìm các nhóm thanh thiếu niên khác để gây gổ đánh nhau.
Thống kê của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng phát hiện 82 vụ với 765 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Trong đó, cơ quan chức năng khởi tố 16 vụ, 172 đối tượng và xử lý hành chính 66 vụ.
Liều thuốc nào để xử lý nạn “Quái xế”
Theo Bộ Công an, hành vi sử dụng đèn xe, lắp còi hú, nẹt pô, rú ga (chủ yếu sử dụng mô tô, xe gắn máy) và các hành vi vi phạm hành chính khác về trật tự, an toàn giao thông, xâm phạm trật tự công cộng, sức khoẻ, tài sản của người khác nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019, Nghị định số 144/NĐ-CP ngày 31.12.2021.
Tùy theo trường hợp và tổng hợp các lỗi vi phạm sẽ có các mức xử phạt hành chính khác nhau. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người điều khiển phương tiện có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện vi phạm.
Nếu các hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tùy theo hành vi, tính chất, mức độ và nhân thân người phạm tội, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm về một hoặc nhiều tội danh trong Bộ luật hình sự như: tội Đua xe trái phép quy định tại Điều 266, Bộ luật hình sự; tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định của Điều 318, Bộ luật hình sự; tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật hình sự; tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 264, Bộ luật hình sự; tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 6, Điều 134, Bộ luật hình sự; truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 304, Bộ luật hình sự…
Đua xe trái phép đã trở thành vấn nạn, người tham gia chủ yếu thuộc lứa tuổi “choai choai”. Mặc dù đã có chế tài xử lý song tình trạng đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu,… sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí của các thanh thiếu niên vẫn diễn ra và trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.
Nhằm ngăn ngừa tình trạng tụ tập lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, mới đây Bộ Công an đã đề xuất tịch thu môtô, xe gắn máy khi đua xe trái phép, lái xe lạng lách, đánh võng trên đường. Đây được coi là liều thuốc đặc trị xử lý nạn "quái xế" tồn tại nhiều năm qua.
Luật sư Phạm Thị Trang, đoàn luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: “Một chế tài đủ mạnh cùng với truyền thông hiệu quả sẽ giúp nâng cao hơn nữa trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người, đặc biệt là thanh thiếu niên. Việc tịch thu xe không chỉ răn đe với người điều khiển mà còn khiến người cho mượn có trách nhiệm hơn, từ đó, tăng chế tài mạnh để răn đe, tiến tới hạn chế và xóa bỏ nạn đua xe trái phép”.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng yêu cầu Công an các địa phương xử lý nghiêm hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.