Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, trung bình hàng năm, mỗi bậc học ở thành phố tăng 10.000-15.000 học sinh. Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều quận, huyện xoay xở đủ cách để nâng tỷ lệ dạy 2 buổi/ngày.
Đại diện các trường THPT cũng chia sẻ, từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoài các môn học bắt buộc, học sinh khi trúng tuyển vào lớp 10 buộc phải chọn các tổ hợp môn tự chọn do nhà trường sắp xếp, điều này dẫn đến tình trạng nhiều học sinh dù không thích học một số môn nhưng không còn lựa chọn. Hiệu quả đào tạo cũng vì thế không đạt như mong đợi vì học sinh không có đam mê học tập.
Từ thực tế này, một số trường THPT đã triển khai lớp học "chạy" theo hình thức ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được "chạy" đến các lớp dạy những môn tự chọn mà các em thích học, thích môn nào thì học môn đó. Dự kiến, năm học 2024-2025, nhiều trường THPT tại TP. Hồ Chí Minh sẽ mở rộng mô hình lớp học này.
Đơn cử, Trường THPT Trường Chinh (Quận 12) sẽ triển khai lớp học “chạy” với học sinh lớp 10, để học sinh có nhiều sự lựa chọn hơn. Trường sẽ đưa ra nhiều tổ hợp môn để các em lựa chọn. Dự kiến, có hơn 10 tổ hợp thay vì chỉ 4 tổ hợp môn tự chọn như năm trước.
Trường THPT Ten Lơ Man (Quận 1) cũng không xây dựng sẵn các tổ hợp môn học lựa chọn như những năm trước, mà học sinh có thể chọn 2-3 môn học theo sở thích, năng lực và nguyện vọng.
Là trường đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh triển khai mô hình lớp học này từ năm học 2022-2023, đại diện Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5) cho hay, ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được chọn lựa 4 môn học và 3 chuyên đề. Từ sự chọn lựa môn học của học sinh, trường sẽ sắp xếp thời khóa biểu theo hướng tất cả buổi sáng, học sinh sẽ học môn bắt buộc và môn chuyên theo lớp của mình; buổi chiều, học sinh chuyển sang học môn học tự chọn, chuyên đề đã đăng ký.