Chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch
Thực hiện Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Lương Sơn có 15/20 xã, thị trấn thực hiện sáp nhập, chiếm 71,4% tổng số xã, thị trấn trên địa bàn, còn lại 5 đơn vị cấp xã gồm thị trấn Lương Sơn và 4 xã: Lâm Sơn, Tân Vinh, Hòa Sơn và Nhuận Trạch không thực hiện sáp nhập. Theo đó, đối với 15 xã thực hiện sáp nhập thành 6 xã, trung bình sáp nhập 2,5 xã cũ thành 1 xã mới. Đặc biệt, huyện Lương Sơn có 1 đơn vị xã mới được sáp nhập từ 4 xã, đây là phương án sáp nhập nhiều ĐVHC nhất, duy nhất trong toàn tỉnh Hòa Bình; có 2 đơn vị xã mới, mỗi xã được sáp nhập từ 3 xã; có 2 xã mới, mỗi xã được sáp nhập từ 2 xã; có 1 xã được điều chỉnh diện tích tự nhiên và quy mô dân số từ một phần xã giáp ranh.
Sau khi sáp nhập, huyện Lương Sơn từ 20 ĐVHC xuống còn 11 ĐVHC, (giảm 9 đơn vị). Để bảo đảm hoạt động của các ĐVHC mới, UBND huyện đã thực hiện việc phân loại ĐVHC, đến nay toàn huyện có 11 ĐVHC, trong đó có 9 ĐVHC loại I, 2 ĐVHC loại II và không có ĐVHC loại III như trước đây. Sau khi sắp xếp ĐVHC thành công, huyện Lương Sơn đã đủ tiêu chí lên Đô thị loại IV và đang hoàn thiện từng tiêu chí để lên thị xã sớm hơn so với theo kế hoạch vào năm 2025.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Danh, ngay sau khi ĐVHC mới đi vào hoạt động, số công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ bảo đảm theo vị trí việc làm khi tuyển dụng; mặc dù cùng một vị trí việc làm nhưng có chuyên ngành lên đến 12 người; UBND các xã đã chủ động xây dựng phân công nhiệm vụ cho công chức bảo đảm hài hòa, hiệu quả. Vì vậy, chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở luôn đạt hiệu quả cao, hạn chế được tình trạng yếu kém trong điều hành và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Sau hai năm từ khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, việc đánh giá, xếp loại chính quyền đều đạt và vượt kế hoạch, số xã đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luôn đạt tỷ lệ cao; không có xã, thị trấn không hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, UBND huyện Lương Sơn đã làm tốt công tác giải quyết chế độ chính sách theo quy định. Để hoàn thành chỉ tiêu tinh giản biên chế sau khi thực hiện sắp xếp, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức dôi dư tự nguyện viết đơn nghỉ việc hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ và các chính sách khuyến khích của tỉnh. “Nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; sự ủng hộ vào cuộc của Nhân dân và cán bộ huyện Lương Sơn; kết quả tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại các ĐVHC dự kiến sắp xếp luôn đạt tỷ lệ cao từ 70% trở lên, không có địa phương nào phải lấy lại ý kiến của cử tri”, ông Danh cho biết.
Ban hành thêm các chính sách hỗ trợ
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Lương Sơn cho rằng việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cũng gặp khó khăn vướng mắc như: Số lượng công chức xã mới sau sắp xếp ĐVHC nhiều (có xã có 10 công chức văn phòng) nên khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí công việc, phân công nhiệm vụ, điều kiện làm việc. Đội ngũ cán bộ, công chức các xã mới sau sắp xếp đều có tuổi đời còn trẻ, nhiều người mới tham gia công tác, trúng tuyển công chức cách đây 4-5 năm, có đủ trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ theo vị trí việc làm, rất khó khăn cho việc tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2024.
Bên cạnh đó, do sắp xếp lại ĐVHC dẫn đến số lượng cán bộ, công chức, nhiều người đảm nhiệm một vị trí tạo tâm lý ai đi, ai ở gây hoang mang về tư tưởng cho cán bộ, công chức. Công tác sắp xếp, bố trí công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư còn gặp nhiều khó khăn; việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập còn bất cập, điều kiện cần thiết để làm việc còn thiếu, nhất là phòng làm việc cho cán bộ, công chức. Có xã phải bố trí trụ sở làm việc ở 2 nơi, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến liên hệ công tác.
Do vậy, UBND huyện Lương Sơn cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kéo dài thời gian giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC. Nếu theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả các ĐVHC sau khi thực hiện sắp xếp phải giải quyết cán bộ, công chức dư xong hết trong năm 2024 là rất khó khăn. Đồng thời, xem xét tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với những xã mới sáp nhập để giải quyết việc dôi dư cán bộ, công chức, vừa bảo đảm thực hiện công việc tăng lên do địa bàn xã mở rộng; xem xét tăng phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách, cán bộ hợp đồng xã nhằm bảo đảm thu nhập.
“Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành các Nghị quyết chính hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức nghỉ việc do dôi dư. Vì hiện nay Nghị quyết số 471/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hết hiệu lực vào ngày 31.12.2022. Từ năm 2023 đến 2024 không còn các chính sách hỗ trợ cho số cán bộ, công chức dôi dư khi nghỉ việc, rất khó khăn cho công tác tinh giản biên chế theo kế hoạch”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Danh mong muốn.