Theo Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12.12.2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm điều chỉnh bao quát các đối tượng, loại hình lao động.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Luật Việc làm hiện nay quy định đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ giới hạn tại 5 nhóm lao động. Bao gồm: người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số nhóm đối tượng khác như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành các nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội và các đối tượng lao động khác, chưa được quy định hoặc theo quy định của từng địa phương, chưa bảo đảm bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài.
Mặt khác, hiện nay, nhiều địa phương đã ký các thỏa thuận đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài (theo hình thức thời vụ) nhưng chưa được quy định cụ thể trong luật nên nhiều lao động cũng chưa được tiếp cận nguồn vốn.
Vì vậy, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cấp tỉnh với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về ưu tiên vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho nhiều đối tượng. Bao gồm: người lao động là người dân tộc thiểu số; người lao động là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; người lao động là thân nhân người có công với cách mạng; người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; người lao động có đất thu hồi; người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng; người lao động có nhu cầu vay vốn sẽ phải lập hồ sơ vay vốn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội nơi đăng ký thường trú.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo cho người lao động bằng văn bản và nêu rõ lý do.