Thay đổi các sản phẩm, dịch vụ văn hóa
Ứng dụng tiến bộ công nghệ vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vừa công bố định danh số với 10 cổ vật Triều Nguyễn, đồng thời ra mắt không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro.
Trung tâm đã hợp tác với Phygital Labs, mở ra hành trình ứng dụng công nghệ vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa di sản đang được lưu giữ tại Thừa Thiên Huế - Việt Nam. Theo đó, khách tham quan có thể dùng smartphone tương tác với chip NFC Nomion gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong các hoạt động chuyên môn. TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng cho biết, Bảo tàng xây dựng cơ sở dữ liệu cho toàn bộ hiện vật, tài liệu, xây dựng phần mềm quản lý hiện vật, kết nối thực - ảo, ứng dụng công nghệ tương tác sử dụng trong trưng bày và thuyết minh tham quan, hoạt động giáo dục trải nghiệm tại bảo tàng, xây dựng bảo tàng số…
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu cho biết, đơn vị từng bước ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản văn hóa vật thể, số hóa phục dựng 3D không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lê, ra mắt ấn phẩm số, sách 3D; kết hợp văn hóa truyền thống có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại và nghệ thuật để tổ chức các hoạt động quảng bá giá trị di sản…
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, công nghệ số cũng hiện diện ở các khâu như âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng sân khấu… Công nghệ 3D Mapping (kết hợp công nghệ 3D và công nghệ sản xuất phim) được ứng dụng tại một số sự kiện, mang đến trải nghiệm ấn tượng trong một không gian cụ thể gắn liền với không gian văn hóa, lịch sử cũng là một cách tiếp cận mới thu hút người xem…
Hoàn thiện khung pháp lý, thu hút đầu tư
Công nghệ số không chỉ làm thay đổi các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong các lĩnh vực như: điện ảnh, thư viện, nghệ thuật biểu diễn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản…, các sáng tạo văn học, nghệ thuật trực tiếp trên không gian số cũng ngày càng nở rộ. ThS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, thay đổi công nghệ dẫn tới việc các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa nghệ thuật ngày càng có xu hướng chuyển sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ văn hóa trên môi trường số.
Công nghệ số đem đến cho các nhà sáng tạo nhiều công cụ và nền tảng mới để chia sẻ và lan tỏa tác phẩm đến đông đảo công chúng. Theo xu hướng này, thị trường văn hóa nghệ thuật trực tuyến dần phổ biến hơn, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ứng dụng công nghệ số sẽ ngày càng phong phú và đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, sẽ có thêm nhiều mô hình mới giúp khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ số lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên, thiếu hụt hạ tầng công nghệ, cũng như thiếu nhân lực có chuyên môn cao đang là rào cản cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ứng dụng công nghệ số. Theo nhiều chuyên gia, hiện tại, Việt Nam chưa có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, trong khi vi phạm bản quyền tràn lan là vấn đề nhức nhối, gây thiệt hại cho các nhà sáng tạo…
Bởi vậy, những người trong ngành đang kỳ vọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, có nội dung thành phần số; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Trong đó, quản lý văn hóa trên môi trường số, xây dựng văn hóa số, xã hội số; số hóa dữ liệu, xây dựng, bảo vệ cơ sở dữ liệu văn hóa quốc gia trên môi trường số; ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, nghiên cứu cơ bản để phát triển văn hóa và thúc đẩy thị trường văn hóa trên môi trường số.
Theo TS. Nguyễn Anh Minh, đầu tư kinh phí cho ứng dụng công nghệ là một bài toán khó trong xu thế phát triển, cập nhật liên tục công nghệ mới và các phiên bản của nó. Nhà nước cần đầu tư các nền tảng công nghệ lõi mang tính xương sống, nền tảng để doanh nghiệp, xã hội có thể kế thừa, phát triển. Đồng thời, cần ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa và huy động nguồn lực tài chính ở trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ lĩnh vực văn hóa.
ThS. Nguyễn Tuấn Anh nhận định, xây dựng khung pháp lý, công cụ quản lý mới nhằm thích ứng với thực tế chuyển đổi số là công việc quan trọng thời gian tới. Cần có những chính sách tạo điều kiện, ưu đãi các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như ưu đãi thuế, giảm lãi suất vay vốn, giúp các doanh nghiệp văn hóa có thể tiếp cận các nguồn tài chính để tăng cơ hội phát triển. Cần bổ sung các luật về thuế, luật về hiến tặng và tài trợ cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này.
Để phát triển thị trường văn hóa lành mạnh, việc nâng cao hiệu lực thi hành của Luật Sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi của những người sáng tạo cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị tham gia lĩnh vực văn hóa là rất cấp bách.