Chia sẻ tại hội thảo Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 10.2, ông Nguyễn Thanh Hưng cho biết, việc Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng không đồng nghĩa chỉ sự phát triển về kinh tế số!
Sự phát triển về kinh tế số phải có hạ tầng tốt. Tuy nhiên, ông Hưng nêu rõ, đến nay, 4/5 đường cáp biển quốc tế của Việt Nam không kết nối được internet, 1 đường cáp còn lại có tuổi thọ xếp vào hàng già cỗi nhất thế giới, dự kiến đến 2024 sẽ không còn hoạt động. Điều này đã kéo dài hơn một tuần nay.
Việc kết nối internet chậm đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là những người kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều đáng nói, hiện “vẫn không thấy nhà mạng nào tính đến việc giảm phí”, ông Hưng nói.
Thực tế, để khắc phục tình trạng mạng internet chậm kết nối, các nhà mạng đã có nhiều giải pháp, như chia sẻ tải giữa các link quốc tế, làm việc với các dịch vụ như Facebook, TikTok, YouTube để tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bổ sung tài nguyên cáp đất; nhanh chóng lên phương án định tuyến, điều tiết dung lượng trên các hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền; đồng thời mua bổ sung dung lượng ứng cứu nhằm bảo đảm tốt nhất chất lượng dịch vụ…
Hiện, các nhà mạng vẫn chưa đưa ra được con số thống kê cụ thể về mức độ ảnh hưởng của khách hàng, phương án đền bù thiệt hại cho người dùng... Dự kiến, trong tháng 3 tới mới khắc phục xong lỗi kỹ thuật của 4/5 tuyến cáp quang này. Điều này đồng nghĩa, việc truy cập internet của người dân sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong những ngày tới.
Trong bối cảnh đó, việc các nhà mạng chia sẻ với người tiêu dùng thông qua giảm cước là vấn đề cần được lưu ý, không thể mãi chỉ trông mong sự thông cảm của khách hàng!