Thực hiện sai quy chế?
Ngày 11.10.2016, UBND TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định số 5342/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Quy chế này áp dụng cho việc thực hiện hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ĐMST có sử dụng ngân sách sự nghiệp KH-CN của TP. Hồ Chí Minh.
Đối tượng hỗ trợ là cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp (hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) có dự án khởi nghiệp ĐMST.
Điều kiện tham gia là có dự án khởi nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - CNTT, hóa chất – nhựa – cao su...) và 9 nhóm ngành dịch vụ (tài chính ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...) được thành phố ưu tiên phát triển... Các dự án khởi nghiệp được tuyển chọn thông qua các cuộc thi về ĐMST do Sở KH-CN tổ chức; Hoặc từ các dự án khởi nghiệp đăng ký trực tiếp tại Sở KH-CN.
Điều 7 của quy chế nêu rõ: Mức kinh phí hỗ trợ tối đa cho 1 dự án khởi nghiệp không quá 2 tỷ đồng. Trường hợp đặc biệt (trên 2 tỷ đồng) do UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định. Sở KH-CN là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan để triển khai.
Theo tài liệu, ngay tại ngày quy chế trên ban hành và có hiệu lực (11.10.2016), Sở KH-CN đã ký Quyết định số 721/QĐ-SKHCN về việc thực hiện nhiệm vụ: “Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo TP. Hồ Chí Minh năm 2016”. Nhiệm vụ này được giao cho Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (Trung tâm TKNL, thuộc Sở KH-CN. Tháng 10.2017, Trung tâm TKNL sáp nhập với 2 đơn vị khác và đổi thành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ). Tổng số tiền thực hiện nhiệm vụ này là 2,5 tỷ đồng.
Ngày 7.7.2017, Sở KH-CN ban hành 4 quyết định giao Trung tâm TKNL thực hiện 4 nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó có 2 quyết định có kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng.
Cụ thể quyết định 590/QĐ-SKHCN về thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ngành thông tin và truyền thông TP. Hồ Chí Minh năm 2017” với kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng; Quyết định 592/QĐ-SKHCN về thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh năm 2017” với kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, căn cứ để Sở KH-CN ra các quyết định trên ngoài các vấn đề liên quan như quy chế tổ chức hoạt động của Sở, căn cứ văn bản lĩnh vực tài chính của Sở Tài Chính thì yếu tố quan trọng là “xét đề nghị của Trưởng phòng Kế hoạch tài chính” của Sở mà không có sự tham gia của các phòng, ban chuyên môn, chức năng.
Tại các quyết định trên đều ghi rõ “Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký” nhưng lại không có thời gian thực hiện.
Vậy, việc giao nhiệm vụ không có định lượng thời gian cụ thể thì thời gian nào thực hiện nhiệm vụ? Hiệu quả ra sao, ứng dụng kết quả của nhiệm vụ đó như thế nào?
Trung tâm Tiết kiệm năng lượng có chức năng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
Theo quyết định số 51/2002/QĐ-UB ngày 10.5.2002 của UBND TP. Hồ Chí Minh về thành lập Trung tâm TKNL thuộc Sở KH-CN, Trung tâm TKNL là đơn vị sự nghiệp có thu, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động trong hai năm đầu, các năm sau tự cân đối thu – chi (Đối tượng hỗ trợ của Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST là cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp (hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) có dự án khởi nghiệp ĐMST).
Trung tâm TKNL với nhiệm vụ chính là nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ để phục vụ mục tiêu, yêu cầu tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, các dạng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Tham mưu cho lãnh đạo Sở KH-CN về các vấn đề liên quan đến năng lượng, tham gia tư vấn, biên soạn các định chuẩn năng lượng cho các ngành; triển khai các biện pháp kiểm toán năng lượng, giải pháp TKNL…
Theo tài liệu, ngoài các quyết định nêu trên, trong năm2017, Sở KH-CN đã ký hàng loạt quyết định giao đơn vị này thực hiện nhiệm vụ khởi nghiệp ĐMST với số tiền lớn. Cụ thể ngày 27.3.2017, Sở KH-CN ra quyết định số 149/QĐ-SKHCN về việc thực hiện nhiệm vụ “Thúc đẩy hoạt động ĐMST trong trường học thông qua hoạt động ngoại khóa thuộc hoạt động KH-CN và ĐMST ở cơ sở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2017” với số tiền 400 triệu đồng.
Một ngày sau (tức 28.3), Sở KH-CN tiếp tục ký 2 Quyết định số 157/QĐ-SKHCN về thực hiện nhiệm vụ “Hoạt động ĐMST phục vụ chương trình tăng trưởng xanh: Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về TKNL” với số tiền 1,9 tỷ đồng; Quyết định số 158/QĐ-SKHCN về việc thực hiện nhiệm vụ “Tư vấn hỗ trợ các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp năm 2017” với số tiền 2,7 tỷ đồng.
Ngày 18.5.2017, Sở KH-CN ra quyết định số 347/QĐ-SKHCN về phê duyệt nhiệm vụ KH-CN thuộc chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và ĐMST (đợt 1). Theo đó, giao Trung tâm TKNL chủ trì nhiệm vụ “Huấn luyện năng suất chất lượng cho doanh nghiệp” với kinh phí thực hiện hơn 1,896 tỷ đồng.
Ngày 7.7.2017, Sở KH-CN ký 2 quyết định giao Trung tâm TKNL thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến ĐMST: Quyết định số 589/QĐ-SKHCN: Thực hiện nhiệm vụ “hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ngành nhựa hóa chất cao su TP.HCM năm 2017”: 396 triệu đồng; Quyết định số 587/QĐ-SKHCN: thiện nhiệm vụ “Hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ngành cơ khí tự động hóa TP.Hồ Chí Minh năm 2017”: 436 triệu đồng ”.
Ngày 15.8.2017, ký quyết định số 721/QĐ-SKHCN giao Trung tâm TKNL thực hiện nhiệm vụ tổ chức sự kiện “Gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp ĐMST TP.HCM – một năm nhìn lại” với kinh phí hơn 270 triệu đồng.
Điều đáng nói các quyết định trên được ký cũng chỉ căn cứ vào đề xuất của Trưởng phòng Kế hoạch tài chính. Đặc biệt trong các quyết định này đều không có thời gian thực hiện nhiệm vụ (trừ quyết định số 347/QĐ-SKHCN ngày 18.5.2017).
Theo tài liệu thống kê, trong năm 2016, Sở KH-CN đã ký nhiều quyết định giao Trung tâm TKNL thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến khởi nghiệp ĐMST với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Liên quan đến Trung tâm TKNL, ngày 5.2.2018, Thanh tra Sở KH-CN đã có kết luận thanh tra số 292/KL-SKHCN về thanh tra hành chính năm 2017 đối với đơn vị này.
Theo đó tổng nguồn thu năm 2016 từ đơn đặt hàng của Nhà nước là hơn 28 tỷ đồng được thực hiện các hợp đồng ký kết giữa Trung tâm với Sở KH-CN và Tổng cục Năng lượng – Bộ Công thương…
Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên một số hợp đồng và phát hiện, việc thực hiện các hợp đồng còn có thiếu sót như: các gói thầu chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh của từng hợp đồng thực hiện chưa phù hợp quy định như tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa được phê duyệt.
*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các đơn vị liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.