Tại Lạng Sơn, nhiều khu vực trên địa bàn các huyện, thành phố ngập sâu trong nước, một số khu vực mất điện, mất nước, mất sóng di động, giao thông bị chia cắt, nhiều xã bị ngập lụt cục bộ.
Trước khó khăn của người dân, Đoàn công tác của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Đặng Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng chủ trì, trực tiếp xuống xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Hiện nay một số hộ gia đình tại đây bị cô lập do úng ngập, không thể di chuyển đi lại; trong xã cũng chỉ có hai chiếc xuồng nhỏ để vận chuyển nhu yếu phẩm cho bà con.
Cục Quản lý thị trường đã hỗ trợ 100 thùng mì tôm với tổng trị giá 13 triệu đồng và kịp thời được chuyển bằng xuồng đến tận tay người dân vùng lũ. Đây là một hoạt động thiết thực, kịp thời và ý nghĩa, đồng hành với bà con để vượt qua những khó khăn do hậu quả do cơn bão gây ra.
Tại Quảng Ninh là địa phương của tâm bão đi qua, lực lượng Quản lý thị trường vừa khắc phục hậu quả; vừa đảm bảo công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và ổn định thị trường theo tinh thần Công điện số 6815/CĐ-BCT ngày 08.9 của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Tổng Cục tại Văn bản số 2586/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các Đội trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, giữ ổn định thị trường. Các tổ công tác đã tiến hành tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại một số siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và một số cơ sở kinh doanh đồ điện gia dụng, vật liệu xây dựng, các tấm tôn lợp, nhôm, ống hộp, sắt thép tổng hợp.
Đến thời điểm hiện tại, giá cả hàng hóa vẫn cơ bản ổn định, đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên một số mặt hàng giá có xu hướng tăng do nguồn cung hạn chế như: rau xanh (tăng 50%), máy phát điện; đèn, quạt … (tích điện) tăng từ 15 - 20%; tấm tôn lợp, ngói lợp, sắt thép tăng 10 - 15%.
Các Tổ công tác của các Đội yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật, không lợi dụng thiên tai, bão lũ để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; hàng hoá kinh doanh phải rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, nhãn hàng hoá ... theo đúng quy định của pháp luật.
Các Đội QLTT bám sát địa bàn bố trí ít nhất 1 tổ công tác thường trực 24/24 giờ để trực tiếp xử lý các vấn đề phát sinh và chủ động, phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phtạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng (tấm lợp, tôn kẽm, nhôm kính …), sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng.