Bảo vệ, phát triển các khu sinh thái đất ngập nước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy mỗi người nên trồng ít nhất một cây xanh vào dịp Tết để góp phần làm cho quê hương, đất nước càng ngày càng xuân. Từ đó, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Đơn cử tại tỉnh Thái Bình, những năm qua, Tết trồng cây đã thu hút sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp và người dân. Năm 2024, dù chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của bão số 3, Thái Bình vẫn kiên trì triển khai kế hoạch trồng cây, bảo vệ rừng. Tỉnh đã bảo vệ tốt 4.215,5ha rừng ngập mặn hiện có, đồng thời trồng mới hơn 1,7 triệu cây phân tán các loại, góp phần bảo vệ môi trường, giảm tác động của thiên tai, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Đến nay, Thái Bình là địa phương có hai Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước có tổng diện tích 19.060ha, chiếm tỷ lệ rất lớn diện tích vùng ven biển, là nơi cư trú của nhiều loài động vật, thực vật nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy 6.560ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải 12.500ha. Cùng với đó là khoảng hơn 1.000 loài động vật sinh sống trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông ven bờ...
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước; trong đó, tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng, thông qua việc tổ chức các chương trình giáo dục và tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên và tác động tiêu cực của các hoạt động khai thác không bền vững; phát triển chính sách và quy định, xây dựng và thực thi các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, cấm các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững; đẩy mạnh quản lý tài nguyên thiên nhiên, áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại và bền vững để bảo vệ và phát triển hệ sinh thái đất ngập nước và nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng hiện có, duy trì ổn định độ che phủ rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, nâng cao giá trị phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái khu vực. Hàng năm, tiến hành rà soát quỹ đất để trồng rừng mới. Khuyến khích các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, các mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp với tự nhiên, phù hợp với quy định phân vùng chức năng của Khu Bảo tồn. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các khu bảo tồn khác để chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính...
Mỗi người dân, cơ quan, đơn vị tích cực trồng cây, bảo vệ môi trường
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước vẫn là thách thức lớn. Để bảo vệ môi trường sinh thái, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi người dân trong tỉnh cần tích cực tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Tại Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Ất Tỵ năm 2025 và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025 tại Thái Thụy, Thái Bình mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định: việc trồng cây xanh, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu đang là một thách thức, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Sự phát triển của cây xanh đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện môi trường; góp phần giảm thiểu tác động do thiên tai, hạn chế phát thải khí nhà kính và ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu; đồng thời, thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng cho rằng, để đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn thiên nhiên phải dựa vào cộng đồng; tất cả các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng xã hội cần chung tay ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho người dân về bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là phát triển rừng bằng trồng cây đa mục tiêu; nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tạo sự lan tỏa và thúc đẩy nỗ lực chung của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tết trồng cây năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng tỉnh Thái Bình lựa chọn Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy - nơi có vị trí quan trọng, tiêu biểu trong công tác bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học ở vùng đất ngập nước ven biển để tổ chức Lễ phát động và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025. Dịp này, Bộ và các đơn vị đồng hành trao tặng Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và người dân huyện Thái Thụy 10.000 cây xanh, gồm cây Trang, Bần là những cây bản địa phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất ngập nước Thái Thụy.