Bảo đảm chỉ đạo, chỉ huy thống nhất
2 chương mới được bổ sung trong Luật Cảnh vệ, gồm: Chương IV - Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ và Chương V - Khen thưởng và xử lý vi phạm. Cụ thể, Chương IV gồm 7 điều (từ Điều 24 đến Điều 30), quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ nhằm bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất trong công tác cảnh vệ. Chương V gồm 2 điều (từ Điều 31 đến Điều 32), quy định cụ thể về khen thưởng và xử lý vi phạm, phù hợp với đặc thù của công tác cảnh vệ.
Trong Chương I - Quy định chung gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9), Luật năm 2017 đã bổ sung 2 điều mới so với Pháp lệnh hiện hành, quy định về vị trí, chức năng của lực lượng cảnh vệ và hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ. Theo đó, lực lượng cảnh vệ được xác định là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có chức năng thực hiện công tác cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Hoạt động hợp tác giữa lực lượng cảnh vệ Việt Nam và nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và trên lãnh thổ nước ngoài được thực hiện theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận trực tiếp giữa Việt Nam với quốc gia có liên quan trên nguyên tắc có đi có lại, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
QH biểu quyết thông qua Luật Cảnh vệ |
Ảnh: quochoi.vn |
Cụ thể biện pháp, chế độ cảnh vệ với từng nhóm đối tượng
Trong Chương II - Đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ gồm 6 điều (từ Điều 10 đến Điều 15), các quy định về đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ quy định tại Chương này cơ bản kế thừa các quy định của Pháp lệnh hiện hành, theo đó không bổ sung đối tượng cảnh vệ. Điểm mới là trong Chương trình đã quy định cụ thể các biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với từng nhóm đối tượng cảnh vệ để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.
Chương III - Lực lượng cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ và chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ gồm 8 điều (từ Điều 16 đến Điều 23). Về lực lượng cảnh vệ, kế thừa Pháp lệnh hiện hành, Luật đã quy định lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng gồm cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng. Điểm mới đáng chú ý của Luật lần này là quy định rõ quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ, cụ thể là của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội và quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ để tránh lạm quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, bổ sung một số quyền hạn mới cho cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ để đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ trong tình hình hiện nay, như quy định được sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tín hiệu của xe ưu tiên; được mang theo vũ khí, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không và lên tàu bay để thực hiện công tác cảnh vệ.
Về quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ, các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ được quy định tại Nghị định số 128/2006/NĐ-CP ngày 27.10.2016 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cảnh vệ; nay các trường hợp nổ súng được quy định cụ thể ngay trong Luật Cảnh vệ để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phù hợp với đặc thù của công tác cảnh vệ. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ được nổ súng trong trường hợp cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ. Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả. Vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ. Các trường hợp nổ súng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Về huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ, để bảo đảm đồng bộ với Luật Công an nhân dân và Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Cảnh vệ quy định trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó. Trừ trường hợp phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.