Linh hoạt giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch

Các doanh nghiệp đề xuất, để giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch nội địa, Chính phủ nên khuyến khích thành lập các hãng hàng không mới; hỗ trợ thuế, phí và giá... Các địa phương, ngành du lịch và hàng không cần bàn kế hoạch hợp tác trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm.

“Càng bay nhiều, càng lỗ nhiều”

Tại Hội thảo "Hàng không - du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững" do Báo Nhân Dân tổ chức chiều 12.6, Chủ tịch Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) Lại Xuân Thanh nêu hiện trạng, ACV đang quản lý 21 cảng hàng không, trong đó chỉ 6 cảng có lãi, 4 cảng không phải bù lỗ, 11 cảng còn lại phải bù lỗ. Giá vé nội địa Việt Nam đang thấp hơn nhiều nơi, nhưng phản hồi của người dân giá vé cao chủ yếu nằm ở chỗ, tỷ trọng giá vé thấp “co lại” so với trước. “Trước đây khoảng 30% tổng lượng vé bán ra là giá khuyến mại thì giờ chỉ còn 5%. Vì vậy, để chống hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, không được dùng dưới giá thành để đánh đối thủ, không được lợi dụng vị thế độc quyền để tăng giá quá đáng, cần có giá sàn”.

Tổng Giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam cho biết, hiện số máy bay khai thác ở Việt Nam khoảng 160 chiếc, giảm 70 chiếc so với trước Covid-19. Để bù đắp sự thiếu hụt này, các hãng hàng không có thể thuê máy bay, nhưng các hãng không có động lực kinh doanh vì “càng bay nhiều, càng lỗ nhiều”. Mặt bằng giá vé máy bay hiện nay làm việc triển khai chặng bay nội địa có lãi không khả thi vì không theo kinh tế thị trường.

Vì thế, theo ông Nam, thay vì áp giá vé trần như hiện nay, phải dùng luật cạnh tranh để “trị” những đơn vị lạm dụng vị thế độc quyền. Đồng thời, phải tạo động lực cho hãng hàng không đưa máy bay về, cung ứng cho thị trường nội địa. Khi có nhiều máy bay thì giá vé máy bay giảm nhiệt. “Chúng ta phải tạo động lực cho ngành hàng không mới hóa giải được nghịch lý giá vé máy bay tăng nhưng hãng không và công ty du lịch vẫn khó khăn”, ông Nam nhấn mạnh.

Linh hoạt giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch
Hội thảo "Hàng không - du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững" do Báo Nhân Dân tổ chức chiều 12.6. Ảnh: T. Nguyên

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Lê Hồng Hà thông tin, tháng 4 - 5.2024, Vietnam Airlines tăng nhiều chuyến bay sáng sớm và bay đêm. Tuy nhiên, cũng trong tháng 5, Vietnam Airlines phải hủy 10% chuyến bay do không có khách bay đêm, làm mất sự linh hoạt, chủ động cho giai đoạn cao điểm du lịch hè. “Có lẽ, khách du lịch chưa sẵn sàng bay đêm vì họ sẽ mất thêm một đêm lưu trú trong khi chính sách nhận phòng và trả phòng của cơ sở lưu trú chưa linh hoạt. Tôi nghĩ Việt Nam còn dư địa tăng chuyến bay, có những cách thu hút khách du lịch với việc xây dựng thói quen mới, đi lại vào chuyến bay đêm. Chúng tôi đã làm việc với các tập đoàn Vingroup, Sun Group có tour du lịch kết hợp bay đêm, giảm 50% hoặc thậm chí miễn phí đêm đầu tiên để giảm chi phí cho du khách. Nếu các bên phối hợp với nhau, tạo ra chương trình du lịch hấp dẫn vào chuyến bay sáng sớm, tối muộn thì dư địa đó hoàn toàn khả thi cho hiện tại”, ông Hà phân tích.

Cần chính sách giảm chi phí

Đề xuất một số hình thức hợp tác có tính chất đặc thù giữa du lịch và hàng không, góp phần giảm giá vé máy bay, thúc đẩy nhu cầu đi du lịch trong thời điểm này, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, trước hết, cần đẩy mạnh hợp tác thông qua các seri-booking vé có giá cạnh tranh. Với hình thức này, các hãng hàng không sẽ triển khai biểu giá, thường là mức giá thấp trong một số giai đoạn để các công ty du lịch đặt cọc sớm. Nhờ đó, phần chi phí cho các chuyến bay trong mỗi tour sẽ được giảm bớt khi vé máy bay được mua với mức giá tốt và ổn định. Ngoài ra, các bên có thể phối hợp để xây dựng tour mới, khuyến mãi nhân dịp khai trương đường bay mới hay các dịp lễ; hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch nhằm lấp đầy khách đối với một số ngày bay, chuyến bay có tỷ lệ khách thấp và khai thác du lịch bằng các chuyến bay thuê nguyên chuyến.

Để việc hợp tác của ngành du lịch và hàng không kịp thời, giải quyết các vấn đề như giảm giá vé máy bay thực sự hiệu quả, cũng cần có kế hoạch liên kết tổng thể ở quy mô quốc gia. Cụ thể, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), cho hay, giá vé máy bay tăng cao tác động nhiều ngành và sinh kế của địa phương. Nếu giải quyết giá vé máy bay sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau. “Chính phủ nên khuyến khích thành lập các hãng hàng không mới; hỗ trợ thuế, phí và giá. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét quy định về giá trần. Có thể áp dụng giá trần linh hoạt theo giá xăng dầu”, ông Chính nói.

Cũng theo ông Hoàng Nhân Chính, các đơn vị cung cấp dịch vụ tại sân bay, quản lý, điều hành bay cần giảm 50% giá, phí cho các chuyến bay đêm so với các chuyến bay ngày. Các hãng hàng không cần cam kết với công ty du lịch ổn định về giá cả và chất lượng. Đặc biệt, ngành du lịch cần thay đổi cơ chế cứng nhắc mà nhiều doanh nghiệp khách sạn áp dụng thời gian qua là chính sách nhận phòng (check-in) và trả phòng (check-out) khiến khách du lịch thiệt thòi. "Nhiều tập đoàn quốc tế đã áp dụng chính sách nhận phòng và trả phòng linh hoạt trong 24 tiếng, song ngành du lịch Việt Nam không suy nghĩ đến việc các tập đoàn khách sạn đưa ra cách thức linh hoạt này. Khi đó, du lịch sẽ bắt tay được với ngành hàng không để áp dụng, tận dụng được chuyến bay đêm với giá máy bay rẻ, sẽ có gói combo tốt hơn”.

Chủ tịch Tập đoàn Du lịch - Hàng không Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ thì cho hay, việc tăng giá vé máy bay là bối cảnh chung trên toàn cầu. Bình quân giá vé thế giới tăng từ 17 - 27%, không riêng Việt Nam. Chúng ta không có yếu tố nào ghìm giá vé máy bay xuống nếu không có sự vào cuộc của Chính phủ vì Chính phủ là bệ đỡ, kiến tạo cho doanh nghiệp. “Vì vậy, tôi đề xuất Chính phủ vào cuộc thật sự. Hiện Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch với sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách thật sự giúp ngành hàng không giảm chi phí và có giải pháp chiến lược phát triển hàng không”.

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Kinh doanh Khối du lịch nghỉ dưỡng Tập đoàn Sun Group Lương Thị Hoàng Lan kiến nghị: “3 bên cần ngồi lại với nhau: địa phương, du lịch và hàng không, để bàn kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Không chỉ hàng không và du lịch cần đưa ra chính sách giá tốt, mà các địa phương cũng cần đưa ra những ưu đãi hợp lý (về nghỉ dưỡng, vận chuyển, nhà hàng…) để tạo điều kiện xây dựng những chương trình, combo sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá ưu đãi, bao gồm cả vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch”.

Để giải quyết chi phí đầu vào tăng cao, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm đề nghị các hãng hàng không tăng hiệu suất sử dụng tàu bay trong ngày. Các địa phương cũng cần có chế độ chính sách hỗ trợ cho các hãng. Các hãng hàng không đưa ra các chương trình khuyến mại, điều chỉnh giá vé, thực hiện cơ cấu giá vé công khai, minh bạch theo quy định pháp luật về giá trần. Trong dải giá vé, các hãng hàng không dành dải giá vé từ thấp tới cao cho người dân tiếp cận giá vé phù hợp với mức chi trả. "Chúng ta phải đánh giá lại thủ tục về hành chính, điều chỉnh chính sách, pháp luật để doanh nghiệp vận hành hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân…".

Du lịch - Thể thao

Việc ra mắt các sản phẩm chất lượng sẽ góp phần đưa du lịch tàu biển Việt Nam phát triển
Du lịch - Thể thao

Du lịch tàu biển cần chiến lược tổng thể để bứt phá

Liên tiếp các siêu du thuyền quốc tế cập cảng Việt Nam những tháng đầu năm cho thấy tiềm năng phát triển của du lịch tàu biển. Theo các doanh nghiệp, cần có chiến lược tổng thể để thúc đẩy du lịch tàu biển bứt phá hơn nữa, trong đó tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ và chính sách thu hút khách.

Du khách trải nghiệm ứng dụng tìm kiếm và đặt phòng khách sạn tại các điểm du lịch
Du lịch - Thể thao

Thúc đẩy doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ

Nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp du lịch tiếp cận và ứng dụng công nghệ, tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam tại Hà Nội - VITM Hà Nội 2025 sẽ có gian hàng giới thiệu các ứng dụng tiêu biểu của trí tuệ nhân tạo (AI), robot trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn và dịch vụ du lịch.

Triển khai Dự án 'Yêu lắm Việt Nam' tại Đắk Lắk
Xã hội

Triển khai Dự án 'Yêu lắm Việt Nam' tại Đắk Lắk

Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Báo Nhân Dân phối hợp các đối tác công nghệ và các cơ quan, địa phương liên quan của tỉnh Đắk Lắk tiến hành triển khai lắp đặt chip NFC (công nghệ kết nối không dây) tại các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Năm 2025, Ban tổ chức Lễ hội bánh dân gian Nam bộ sẽ thực hiện đổ chiếc bánh xèo siêu to khổng lồ để du khách thưởng thức miễn phí
Văn hóa

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2025 sẽ có 231 gian hàng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 12 -  năm 2025, Ban tổ chức sẽ thực hiện 2 chiếc bánh khổng lồ để du khách thưởng thức miễn phí; đồng thời hướng dẫn khách làm các loại bánh dân gian Nam Bộ.

Bộ Công an tổ chức Ngày chạy Olympic – Vì an ninh Tổ quốc
Du lịch - Thể thao

Bộ Công an tổ chức Ngày chạy Olympic – Vì an ninh Tổ quốc

Ngày 27.3, tại Khu Tượng đài "Công an nhân dân vì dân phục vụ", phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ khai mạc Ngày chạy Olympic - Vì an ninh Tổ quốc khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Công an Thành phố Hà Nội năm 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Trần Quốc Tỏ chủ trì buổi lễ

Đảo Cát Bà thăng hạng du lịch, đầu tư nhờ mạng lưới giao thông hiện đại
Du lịch - Thể thao

Đảo Cát Bà thăng hạng du lịch, đầu tư nhờ mạng lưới giao thông hiện đại

Bến phà Đồng Bài – Cái Viềng được mở rộng, cáp treo chạy quanh năm, xe bus điện đón tận nhà ga cáp treo, hay tàu cao tốc mở thêm tuyến mới đến trung tâm đảo Cát Bà… Hệ thống giao thông ngày càng thuận lợi, đồng bộ giúp Cát Bà phát triển mạnh mẽ du lịch bốn mùa, thành điểm đến hấp dẫn nhất miền Bắc.