Du lịch đem lại nguồn thu lớn
- Thưa ông, du lịch được coi là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Vậy, ông có nhận định gì về ngành du lịch của Việt Nam thời gian qua?
- Thực tế cho thấy, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trên cả phương diện lượng khách cũng như doanh thu từ thị trường nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến các chuyên ngành khác nhau như: thương mại, quản lý thị trường, hàng không, giao thông vận tải, di sản văn hóa, tài nguyên môi trường, xuất nhập cảnh, quy hoạch… Vì vậy, thời gian qua, ngành du lịch của Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid - 19 đã khiến hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam tê liệt và phải tạm dừng hoàn toàn từ tháng 4.2020 đến tháng 11.2021. Hoạt động du lịch nội địa cũng trải qua 4 lần gián đoạn tương ứng với 4 lần bùng phát dịch. Năm 2020, khách nội địa giảm 34% so với năm 2019 và năm 2021 giảm 29% so với năm 2020. Mặc dù trước khi xảy ra đại dịch Covid - 19, ngành du lịch Việt đã có bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình 22,7%/năm trong giai đoạn 2015 - 2019 và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn.
Giai đoạn thích ứng bình thường mới sau các “làn sóng”, năm 2023, hoạt động du lịch của Việt Nam phục hồi mạnh và sôi động trở lại. Ngành du lịch đã đón khoảng 120,5 triệu lượt khách (trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt, cao gấp 3,4 lần năm 2022 và vượt mục tiêu đề ra), đưa tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,4% so với kế hoạch năm 2023.
Tiếp nối đà tăng trưởng đó, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6.2024 đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid - 19. Cùng với sự tăng trưởng trong du lịch đã mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế nước ta. Rõ ràng, du lịch đã và đang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính sách định hướng, kiến tạo phát triển
- Chính sách có vai trò và tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của ngành du lịch trong các giai đoạn phát triển. Ông đánh giá thế nào về chủ trương, chính sách phát triển du lịch của Việt Nam thời gian qua?
- Chúng ta đã thấy những thành quả tích cực của ngành du lịch trong những năm qua. Để đạt được kết quả này, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, nỗ lực điều hành và có những chủ trương nhất quán trong phát triển du lịch. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 1 năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quan điểm đầu tiên của Nghị quyết nêu rõ, “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Tiếp đó, ngày 19 tháng 6 năm 2017, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch 2017; Ngày 31 tháng 12 năm 2017 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2022, quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia… Bên cạnh đó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo khung khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch. Nhờ việc có các chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời đã thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực. Các Bộ, ban, ngành và các địa phương đổi mới về nhận thức, tư duy và phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Có thể thấy, hệ thống pháp luật về du lịch đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch, đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013. So với trước đây, hệ thống pháp luật về du lịch hiện nay có nhiều quy định đổi mới như bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành, chú trọng quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch,…
Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề án Phát triển khung trình độ quốc gia một số ngành, nghề trọng điểm lĩnh vực du lịch. Phối hợp triển khai với các Bộ, ngành thẩm định và ban hành một số Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương thích với tiêu chuẩn nghề ASEAN, danh mục các ngành đào tạo cấp IV lĩnh vực du lịch từ trình độ trung cấp đến sau đại học đã được bổ sung và cơ bản hoàn thiện. Đồng thời, hiệu quả công tác quản lý điểm đến được nâng cao; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch đã được kiện toàn từng bước, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Đây chính là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Linh hoạt, đồng bộ các giải pháp
- Để phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới chúng ta cần những giải pháp gì, thưa ông?
- Có lẽ, điều tiên quyết vẫn là việc tiếp tục thực hiện linh hoạt, đồng bộ các giải pháp như: tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch. Đồng thời, nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính...
Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Đồng thời, cần thay đổi tư duy và có thêm các chính sách nhằm đẩy mạnh kinh tế ban đêm phát triển, nhất là tại các địa phương, vì du lịch ban đêm cũng là một điểm nhấn, một kênh thu hút du khách hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...). Một điều quan trọng nữa là nhanh chóng phát triển đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng các tour, các sản phẩm du lịch đặc thù, văn hoá tại các địa phương; tránh việc phát triển nóng, đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Cùng với đó, cũng cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Thiết lập một mạng lưới du lịch xanh, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có cùng mục tiêu và cam kết về du lịch bền vững. Mặt khác, việc giảm giá vé các chuyến bay nội địa cũng góp phần thu hút khách du lịch nước ngoài và thúc đẩy du lịch với khách nội địa.
Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích, giá trị của du lịch bền vững để cả cộng đồng cùng chung tay, góp sức, bảo vệ, phát triển du lịch. Thông tin, quảng bá mạnh mẽ các kênh truyền thông, mạng xã hội, website nhằm lan tỏa thông điệp về du lịch xanh, khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động du lịch, có trách nhiệm với môi trường…
- Xin cảm ơn ông!