
Trong tâm thức của nhiều người, làng là nơi mình được sinh ra, lớn lên; là đất mẹ, là nơi nương náu của tâm hồn. Làng - nơi ấy có họ mạc mình, có bố mẹ, người thân mình đang sinh sống. Người Việt quan niệm "Cây có cành có cội - Người có tổ có tông". Về với làng là về với họ mạc, với nơi mình chôn rau cắt rốn. Với làng là "đau thương cũng muốn về; khổ đau càng muốn về". Về với làng là được đắm mình trong tình quê mộc mạc, chân tình. Cũng dễ hiểu thôi, bởi làng trong tâm thức luôn là điểm tựa tinh thần cho mỗi con người; tình làng nghĩa xóm là một tài sản quý báu của nền văn hoá Việt vốn trọng tình. Làng Việt được tạo lập bắt nguồn từ nhu cầu cộng đồng của một nhóm người. Làng được hình thành từ một hoặc hai, ba họ, từ những người ngụ cư, những người xa quê...tất cả đều xuất phát từ nhu cầu sống, nhu cầu an sinh, nhu cầu được bảo vệ trước sự đe dọa của giặc giã, của thiên nhiên. Đã là hàng xóm láng giềng thì khi "tắt lửa tối đèn" có nhau, chia sẻ với nhau từ công việc lao động thường nhật đến những việc hệ trọng của mỗi gia đình như ma chay, cưới hỏi... Sự cố kết cộng đồng vì thế mà vừa biểu hiện ở khía cạnh kinh tế vừa biểu hiện ở khía cạnh tinh thần. Để sống và tồn tại, người ta tập hợp nhau lại, bởi lẽ: "Sấm bên Đông, động bên Tây"; "Lụt thì lút cả làng" và cũng chính vì thế mà tính cố kết cộng đồng trọng đến mức: "Bán chị em xa mua láng giềng gần". Ra đời trong cái môi trường và bối cảnh như vậy nên làng Việt rất vững chắc và không phải ngẫu nhiên mà làng dưới những hình thức khác nhau, tồn tại hàng ngàn năm cho đến giờ.
Nhiều nhà nghiên cứu coi làng là bản thể của văn hoá Việt. Quả đúng như vậy. Mọi sản phẩm văn hoá vật thể hay phi vật thể đều có từ làng. Và, trong tâm thức của nhiều người, về với làng là về với cây đa, giếng nước, sân đình; về với cổng làng, bờ tre, bến nước, cánh đồng…Về với làng là về với hương thơm của mùi rơm rạ, về với liếp cỏ triền đê, về với mùi thơm khói bếp lúc chiều về. Có lẽ, tất cả những ai dù đi khắp bốn phương trời, cũng thật khó quên những hình ảnh và hương vị đó... Hầu như làng Việt xưa nào cũng đều có một ngôi Đình. Đình là nơi thờ Thành hoàng làng, là nơi diễn ra các lễ thức quan trọng của làng. Mỗi mùa hội làng, Đình làng như tấp nập hơn, trống làng như giục giã, vang dội hơn. Về với làng là ta được đắm mình trong lễ hội, trong điệu hát chèo, điệu hát dân ca, điệu hát ru của bà, của mẹ... thấm đẫm tình người, tình quê. Ngày hội, cả làng thức trọn mấy đêm liền. Người già với đôi mắt xa xăm kể cho lớp trẻ nghe về sự tích làng; lớp trẻ gật gù, cuốn theo những dòng sự tích...Chỗ này, vui với những trò chơi dân gian; chỗ kia, nỉ non với những làn điệu dân ca, câu hát; chỗ khác thì bàn luận việc làng, việc xã, việc nước và việc của thế giới...với tất cả những sắc màu đông tây, kim cổ...Làng là một tổ chức cộng cư có thiết chế và quy định riêng. Mỗi một làng đều có hương ước riêng, ai vi phạm hương ước của làng thì bị làng phạt. Đối với người Việt, không gì đáng tủi hổ hơn là bị làng xua đuổi, vô thừa nhận...
Làng trong tâm thức mỗi một người Việt thật gần gũi, thân thương. Thế nhưng rồi, khi nền kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hoá diễn ra mau lẹ, cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội biến đổi, quỹ thời gian của con người trở nên eo hẹp, làng và không gian văn hoá làng cũng theo đó mà biến đổi dần. Bây giờ, nhiều nét văn hoá làng đã hoặc là phôi phai, hoặc là mất mát khiến bao nhiêu người đau đáu với cội nguồn bằng những hoài niệm xót xa. Văn hoá làng tồn tại hàng ngàn năm qua bao thăng trầm của lịch sử đang có nguy cơ bị phôi phai và mất dần đi. Trẻ con ở làng không còn đánh khăng, đánh đáo; nhiều nơi không còn tìm đâu ra cây đa giếng nước mái đình; những hội hè truyền thống thì diễn ra chóng vánh với bao nhiêu lễ thức bị tước bỏ hoặc làm sai lệch. Không gian văn hoá và không gian kiến trúc của làng cứ mất dần đi cùng với quá trình đô thị hoá... Sự phôi phai và mất mát đó đang kéo theo sự mất mát trong tâm hồn mỗi con người.
Không phải người Việt Nam nào cũng sinh ra ở làng, nhưng mọi người Việt đều được nuôi dưỡng bởi nền văn hoá thấm đẫm chất “làng”. Làng luôn trong tâm thức của mỗi chúng ta, chứ không phải trong tiềm thức. Ai ơi, giữ lấy nếp làng...
Mỹ Thuần