Tiền mặt “nằm im” trong dự án “treo”
Nằm sát trung tâm TP. Hồ Chí Minh, dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) luôn trong tình trạng um tùm cỏ dại, ao đầm, sình lầy nhếch nhác.
Được quy hoạch từ năm 1992 với tổng diện tích gần 427 ha, dự án qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư vẫn bị kéo dài thời gian thực hiện khiến người dân bán đảo Thanh Đa không thể mua bán nhà đất cũng như xây dựng, cải tạo chỗ ở.
Ông Trần Văn Bảy (một cư dân ở Thanh Đa) cho hay: “Mang tiếng nhà đất rộng tới 1.000m2, nhưng suốt 10 năm nay, cả gia đình tôi vẫn vật lộn với nghề làm thợ sắt, lo miếng ăn hàng ngày không đủ”.
Khu đất của ông Bảy thuộc diện sẽ bị thu hồi đất để phục vụ một số dự án tại Bình Qưới. Gia đình ông tha thiết xin được cấp phép xây dựng, sửa chữa lại nhà, được cấp sổ đỏ hoặc sổ hồng để chuyển nhượng do bị “treo” quy hoạch gần 3 thập kỷ qua.
“Việc được chính quyền cấp sổ đỏ, sổ hồng là không tưởng nên không mơ bán được đất, nhà. Treo quy hoạch, treo cả quyền lợi và cả dòng tiền mặt của gia đình tôi”, ông Bảy giãi bày.
Tại huyện Bình Chánh, nhiều cư dân cũng trong cảnh tương tự, nhà ở trong diện thu hồi của dự án nhà ở do Công ty TNHH đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư, hay dự án khu công viên - dịch vụ vui chơi giải trí Hoa Đồng, khu dân cư khoa học, khu dân cư Thăng Long, nhà ở xã Bình Hưng. Những dự án này đã “treo” suốt 10 năm qua.
“Họ giữ đất mà không làm gì thì người dân chúng tôi khổ sở vô cùng, muốn xây dựng cũng không được, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không xong. Nếu bán hết đất mà gia đình tôi có với giá thị trường hiện tại thì cũng có trong tay 7- 8 tỷ đồng, có thể an cư, nhưng không bán nổi đất thì đành chịu ”, bà Bù Thị Nhi (ngụ huyện Bình Chánh) chia sẻ.
Huyện Bình Chánh là một trong những địa bàn nóng về dự án “treo” tại TP. Hồ Chí Minh, dù UBND TP từng lập tổ công tác liên ngành kiểm tra sát sao tiến độ, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính, năng lực tài chính chủ đầu tư nhưng bài toán đúng sai, gỡ bỏ “treo” hay tiếp tục được đầu tư vẫn chưa có lời giải đáp.
Hay huyện Củ Chi, dự án Khu đô thị Tây Bắc treo hơn 10 năm. Tới khu vực này mới thấm nỗi khốn khổ của dân nơi đây. 12.000 hộ dân với hơn 47.000 nhân khẩu của 5 xã, thị trấn vẫn chờ ngày được công bố xóa quy hoạch để có thể sang nhượng, mua bán nhà cửa phù hơp với nhu cầu.
Cần khơi thông nguồn vốn trong dân
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản số 178/TTg-CN ngày 27.3.2023 về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản.
Trước đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành bám sát tinh thần Nghị quyết số 33, trong đó chú trọng quan điểm, mục tiêu; các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo theo thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, lượng vốn còn trong các dự án treo và ách tắc trong các giao dịch đất đai của người dân là không nhỏ, cần được khơi thông.
Trong buổi làm việc với UBND TP, lãnh đạo huyện Hóc Môn đã đề xuất TP xem xét xử lý, thu hồi hơn 700 ha đất thuộc các dự án“treo”, quy hoạch nhiều năm nhưng vẫn “chây ỳ” nhằm bán đấu giá.
Huyện Hóc Môn đưa ra đề xuất, các dự án khu dân cư Nhị Xuân, dự án khu dân cư và làng văn hóa Thanh niên xung phong (xã Xuân Thới Sơn) do lực lượng thanh niên xung phong TP làm chủ đầu tư, cần thu hồi, điều chỉnh quy hoạch và đấu giá đất.
Riêng dự án khu công nghiệp Xuân Thới Thượng, đề xuất xử lý sớm, thu hồi các quỹ đất có dự án “treo” hoặc không còn phù hợp để đầu tư dự án khu đô thị mới.
Đại diện phòng tài nguyên môi trường huyện Củ Chi cũng đồng tình với phương án trên và nhận định chỉ có như vậy mới thúc đẩy sự phát triển của địa phương và bản thân người dân đang nằm trong diện quy hoạch treo mới sớm được đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhờ đấu giá đất, người dân có nguồn tiền để đi mua những nơi ở mới.
“Cư dân sẵn sàng giao đất cho huyện lấy tiền đền bù, cần đẩy nhanh giải pháp này để giải phóng dự án treo, giải phóng nguồn tiền trong đất”, vị cán bộ này cho hay.
Trong mọi biến động của thị trường thì nhà đất thổ cư vẫn có lượng khách tốt, không chỉ vừa túi tiền mà những người mua hầu như ít sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhờ vậy người bán mới có tiền luân chuyển sang các phân khúc khác bền vững.
Quy hoạch “treo” đang là một trong những nguyên nhân chính chặn đứng dòng vốn trong dân, gây ảnh hưởng tới các chủ đầu tư và cả thị trường địa ốc.
Điệp khúc dự án “treo bền vững” vẫn lặp đi, lặp lại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo thống kê, có tới 1.445 dự án được HĐN TP thông qua nghị quyết thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhưng chỉ có 402 dự án hoàn thành, 741 dự án đang triển khai thu hồi, còn lại 302 dự án “án binh bất động”.
Thậm chí, có huyện số dự án chậm triển khai nhưng chưa được thu hồi chiếm đến 30% tổng số dự án. Chính vòng luẩn quẩn quy hoạch, phê duyệt rồi lại thu hồi dự án đã kìm hãm sự phát triển kinh tế và thị trường BĐS.