Phát huy thế mạnh của cảng Cái Cui
Trong phiên làm việc chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, với 463/469 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,79% tổng số đại biểu Quốc hội.
Nghị quyết gồm 10 điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Trước đó, Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày, nêu rõ, hầu hết các ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Bởi lẽ, cơ bản các chính sách được đề xuất áp dụng cho Cần Thơ phù hợp với Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và cơ bản tương đồng với các chính sách đã được Quốc hội Khóa XV quyết định cho một số địa phương tại Kỳ họp thứ Hai.
Đối với 2 chính sách mới về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được các đại biểu đồng thuận cao, vì được xây dựng trên cơ sở đặc thù của miền Tây Nam Bộ, không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Cần Thơ mà còn có tính lan tỏa, thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển đối với tất cả các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nghị quyết nêu rõ, dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện: bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10 nghìn tấn trở lên ra vào các cảng của TP và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư sau đây:
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp
Nghị quyết cho phép miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án. Việc thực hiện các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ phải tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường, đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp được ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế
Với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ (Trung tâm), Nghị quyết xác định, trung tâm là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Trung tâm khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 2 năm liên tục; thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan; thực hiện thanh toán qua ngân hàng; có hệ thống kiểm soát nội bộ; chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán...
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 3 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ và ĐBQH, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2022 và được thực hiện trong 5 năm.