Tăng về số lượng và chất lượng
Báo cáo của Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho thấy, công tác trợ giúp pháp lý tại Việt Nam đã có những bước tiến lớn, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng dịch vụ. Việc mở rộng mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý và số vụ việc hỗ trợ cho người dân ngày càng tăng cao đã giúp hàng triệu người yếu thế tiếp cận công lý.
Cụ thể, kể từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 1997, hệ thống trợ giúp pháp lý tại Việt Nam đã không ngừng phát triển. Tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đến hết năm 2024 đã đạt con số 2,3 triệu vụ việc; trong đó, chủ yếu phục vụ các nhóm đối tượng yếu thế; như người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số và những người sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn. Các trung tâm trợ giúp pháp lý đã hỗ trợ người dân trong các tranh chấp dân sự, hình sự, hành chính và các vấn đề khác liên quan đến quyền lợi hợp pháp.
Năm 2024, các trung tâm thực hiện 63.361 vụ việc, trong đó thụ lý mới 39.641 vụ việc (chủ yếu là vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với 32.748 vụ). Số vụ việc kết thúc trong năm là 37.343 vụ việc, trong đó có 30.538 vụ việc tham gia tố tụng. Điều này không chỉ thấy sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu trợ giúp pháp lý từ người dân mà còn là minh chứng cho sự phát triển của hệ thống trợ giúp pháp lý trong việc tham gia vào các vụ án, bảo vệ quyền lợi của các đối tượng yếu thế.
Đại diện Cục Trợ giúp pháp lý cho biết, chất lượng dịch vụ cũng có những chuyển biến tích cực; các vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng đã đem lại kết quả khả quan, giúp người dân yếu thế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng đã được giải quyết thành công, người được trợ giúp pháp lý có thể giảm mức án, thay đổi tội danh hoặc giảm khung hình phạt so với đề nghị ban đầu của Viện Kiểm sát.
Bên cạnh đó, trong các vụ tranh chấp dân sự, nhiều người dân đã được tăng mức bồi thường thiệt hại, đòi lại quyền sử dụng đất, hay bảo vệ quyền lợi trong các giao dịch pháp lý. Những thành công này không chỉ chứng minh hiệu quả của trợ giúp pháp lý mà còn phản ánh sự chuyên nghiệp và năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao.
Phân bố dịch vụ thiếu đồng đều
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song, công tác trợ giúp pháp lý vẫn đối mặt với một số thách thức lớn. Mặc dù số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng tăng nhưng số lượng trợ giúp viên pháp lý vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến việc phân bố dịch vụ trợ giúp pháp lý chưa đồng đều, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Một số khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn vẫn hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, dù các trung tâm trợ giúp pháp lý đã có mặt tại các tỉnh, thành.
Bên cạnh đó, mặc dù Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã quy định các trợ giúp viên phải đáp ứng tiêu chuẩn ngang bằng với luật sư nhưng sự thiếu hụt nhân lực có trình độ cao và chuyên sâu vẫn là một vấn đề cần giải quyết. Nhiều chuyên gia cho rằng, các trợ giúp viên pháp lý cần phải có năng lực chuyên môn vững vàng, kỹ năng giao tiếp và kiến thức thực tiễn để bảo đảm có thể giúp đỡ người dân một cách hiệu quả nhất trong các vụ việc pháp lý phức tạp.
Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý cũng là một yếu tố quan trọng cần cải thiện. Mặc dù nhiều trợ giúp viên pháp lý giỏi, tâm huyết với công việc, nhưng mức lương thấp và thiếu các chính sách khuyến khích lâu dài có thể khiến cho công tác này thiếu tính bền vững và khó thu hút được người có năng lực.
Để tăng hiệu quả về trợ giúp pháp lý, theo các chuyên gia, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Điều này sẽ giúp các trợ giúp viên nâng cao kỹ năng, hiểu rõ những vấn đề pháp lý phức tạp và cung cấp dịch vụ chất lượng cho người dân. Song song với đó, cần có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp cho trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt là những người làm việc tại các khu vực khó khăn. Điều này không chỉ giúp giữ chân nhân tài mà còn khuyến khích các trợ giúp viên cống hiến lâu dài.
Không ít ý kiến cho rằng, các trung tâm trợ giúp pháp lý cần được đầu tư thêm về cơ sở vật chất và công nghệ. Các nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động có thể giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận dịch vụ pháp lý mà không phải di chuyển xa. Hơn hết, việc nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi và dịch vụ trợ giúp pháp lý là rất quan trọng. Các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được đẩy mạnh để người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình và biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý.