Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã cho thấy rõ nét những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, có 2/15 chỉ tiêu không đạt. Tuy nhiên, năm 2023, có tới 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Thu ngân sách nhà nước giảm 8,3% do sản xuất, xuất khẩu khó khăn; tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra tạo áp lực lớn cho những năm tiếp theo trong đạt chỉ tiêu về tăng trưởng GDP đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2030; tỷ lệ lạm phát trong 9 tháng đầu năm là 4,49%...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu thực tế, 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước đều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn so với một số năm gần đây nhưng cũng chưa được cải thiện. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như: thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp; nền kinh tế mặc dù khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn; chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa đạt kỳ vọng, kết quả triển khai còn thấp; công tác dự báo tình hình ở cả cấp trung ương và địa phương đều chưa đạt yêu cầu, chưa lường trước được những thách thức mới…
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ cần đánh giá, làm rõ chiến lược thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong dài hạn, chiến lược thúc đẩy động lực nội sinh của nền kinh tế, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm cải thiện bằng được năng suất lao động. Cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức nâng cao năng suất lao động, thực hiện tiết kiệm nhằm tăng chi cho đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, làm rõ định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể, kịp thời, khả thi nhằm thúc đẩy ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đẩy mạnh các xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng bền vững, giảm phát thải khí carbon, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn…
Trong những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm tới các nhóm giải pháp: tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, trọng tâm trọng điểm; chủ động cập nhật kịch bản tăng trưởng, đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước, khai thác hợp lý các nguồn thu kết hợp bồi dưỡng các nguồn thu…
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần quyết liệt thực hiện cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch để bù đắp suy giảm về thương mại; tập trung phát triển thị trường nội địa.
Đối với giải pháp về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực được nêu trong báo cáo của Chính phủ, ĐB Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, cần nghiên cứu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề này, hoặc sớm ban hành chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.
ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách; tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, khả thi, hiệu quả; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư. Góp ý vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, ĐB Lê Minh Nam đề nghị, cần quan tâm tới các giải pháp khắc phục những nguyên nhân chủ quan đã được Chính phủ chỉ rõ trong báo cáo. Nhận diện, xác định thật rõ những vấn đề tồn tại nằm ở đâu để có giải pháp khắc phục cụ thể.