Đáng chú ý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Việc có hiệu lực sớm của 4 luật trên được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy những nội dung rất quan trọng hiện nay như thị trường bất động sản và những vấn đề liên quan đến tháo gỡ "rào cản" phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại năm 2024.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Sau khi nghe nhiều ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về thời điểm có hiệu lực của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng từ 1.8.2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rất quyết liệt với quan điểm “sớm được ngày nào tháo gỡ được vướng mắc ngày đó”.
Theo Phó Thủ tướng, ngay khi 4 luật trên có hiệu lực thi hành, có những điều khoản có thể áp dụng luôn, không phải chờ quy định từ nghị định và thông tư. Đây là nội dung có ý nghĩa rất lớn giải quyết được ngay những vướng mắc, bất cập hiện nay.
Về tiến độ xây dựng các nghị định, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đang tập trung chỉ đạo xây dựng các nghị định và một số thông tư đang giao cho các bộ, ngành thực hiện.
Cùng với đó, hành lang pháp lý đã bảo đảm cho việc đề nghị có hiệu lực sớm của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Trong đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã cho phép. Đồng thời, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31.12.2020 của Chính phủ đã bổ sung: “3a. Đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này được thực hiện trước hoặc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật”. Như vậy, nghị định mới đã cho phép có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng cho biết, Chính phủ rất chia sẻ với ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là các địa phương. Có những việc các địa phương đang triển khai theo quy định cũ, có những việc gần đến đích, thậm chí có địa phương tính toán để đến tháng 1.2025, 4 luật trên có hiệu lực thì làm theo phương án cũ là bảo đảm. Nhưng theo dự án Luật này, hiệu lực được đẩy lên từ 1.8.2024, các địa phương cần ngay lập tức điều chỉnh lại theo quy định mới. Việc này đối với một số việc cá biệt, cụ thể rất khó.
Chính phủ cũng đã cân nhắc những yếu tố này, nhưng việc có hiệu lực sớm của 4 luật trên được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy những nội dung rất quan trọng hiện nay như thị trường bất động sản và những vấn đề liên quan đến tháo gỡ những rào cản phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại năm 2024, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng: Chủ yếu các địa phương băn khoăn về điều kiện để bảo đảm cho các luật đi vào cuộc sống. Hiện, Thủ tướng Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tạm gác lại các việc khác, tập trung chỉ đạo, xây dựng các dự thảo nghị định, các bộ, ngành "chạy đua" để xây dựng các thông tư. Vì vậy, các địa phương cũng phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể, tập trung chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai thi hành các luật trên. Đặc biệt là quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về bảng giá đất.