Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (sau đây gọi là dự thảo Nghị quyết) nhiều khả năng sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp vào tháng 5 tới, để thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Nói “nhiều khả năng” bởi Chính phủ chưa có Tờ trình chính thức gửi các cơ quan của Quốc hội. Tuy nhiên, cuối tháng 3.2023, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết và lên kế hoạch trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một Kỳ họp Quốc hội. Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung, đồng thời với việc xem xét đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình Kỳ họp thứ 5 trong phiên họp thứ 23 tới đây (tháng 5.2023).
Vào thời điểm này, một Nghị quyết mới thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá phát triển là hết sức cần thiết cho TP. Hồ Chí Minh bởi nhiều lẽ.
Vị thế đặc biệt
TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Thành phố cũng là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung; đồng thời là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới.
Bằng các tính toán của mình, TS. Bùi Trinh, chuyên gia về thống kê, đã chỉ ra rằng, TP. Hồ Chí Minh là một vùng đặc biệt quan trọng, là đầu kéo cả nền kinh tế Việt Nam phát triển. Cụ thể, chỉ số lan tỏa của nhu cầu cuối cùng và sản xuất của thành phố TP Hồ Chí Minh đến các vùng khác cao gấp 1,5 lần các tỉnh phía Bắc; 1,7 lần các tỉnh miền Trung và 1,9 lần các tỉnh phía Nam. Xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại đây lan tỏa đến các vùng khác hơn 2 lần xuất khẩu của các vùng khác lan tỏa đến thành phố này. Đầu tư ở hầu hết các vùng khác không hiệu quả bằng TP. Hồ Chí Minh, kể cả từ nguồn vốn nhà nước hay nguồn vốn tư nhân. Đặc biệt, tiêu dùng của người dân thành phố sẽ lan tỏa đến giá trị tăng thêm vùng khác của cả nước đến 17%; trong khi đầu tư và xuất khẩu của thành phố lan tỏa đến giá trị tăng thêm vùng khác của cả nước là 8,8,% và 8,7%.
“Nếu TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng chậm lại, tác động không chỉ là mất đi một vài điểm phần trăm tăng trưởng của thành phố, mà còn có những ảnh hưởng lan rộng đến các vùng khác và cả nước trong những chu kỳ sản xuất sau”, TS. Bùi Trinh nhấn mạnh.
Nhiều thách thức mới
Vị trí “đầu tàu” đã được TP. Hồ Chí Minh phát huy trong suốt 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14. Bộ Chính trị ghi nhận: "Thành quả phát triển TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Bên cạnh đó, thành phố ngày càng đối diện với nhiều thách thức mới. Một mặt, đà tăng trưởng chậm lại, nhiều động lực giảm sút. Giai đoạn 1996 - 2010 tăng trưởng bình quân 10,2%/năm; đến giai đoạn 2011 - 2025 giảm xuống còn 7,22%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 6,41%/năm. Mặt khác, chất lượng tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, khó khăn trong việc tiến lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị và xác lập cơ cấu kinh tế hiện đại. Sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ đời sống nhân dân.
Báo cáo của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10. 2022 cho biết nhìn tổng thể, nhiều nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch. Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều. Cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực, mục tiêu hàng năm huy động thêm 40.000 đến 50.000 tỷ đồng nhưng trong cả giai đoạn 2018 - 2022 mới chỉ được 17.800 tỷ đồng. Các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; thu khai thác tài sản và từ đất đai... Vì thế thành phố thiếu nguồn lực tài chính trầm trọng để phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội.
Vì mục tiêu "ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới"
Tháng 1 năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đặt ra là thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước và phải sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Quốc hội, trong Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng xác định xây dựng, phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á”.
Việc ban hành một Nghị quyết mới của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP. Hồ Chí Minh chính là rất cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết 31-NQ/TW. Để hiện thực hóa mục tiêu Bộ Chính trị và Quốc hội đặt ra, thành phố cần phải được tạo điều kiện tốt nhất để khơi thông nguồn lực, khai thác được tối đa tiềm năng và thế mạnh của mình. Bộ Chính trị trong Nghị quyết 31-NQ/TW cũng đã yêu cầu: “sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP. Hồ Chí Minh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”.
Nhìn lại 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14, kết quả chưa như mong đợi vì nhiều lý do. Một phần, thời gian thực hiện Nghị quyết thực chất chỉ có 2 năm, vì năm đầu tiên thành phố tập trung xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị, 2 năm tiếp theo tập trung ứng phó với dịch Covid-19 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.
Bên cạnh đó, thành phố mới chỉ được trao cơ chế, chính sách đặc thù trong 4 lĩnh vực. Trong mỗi lĩnh vực phạm vi của cơ chế đặc thù cũng nhỏ hẹp và bị giới hạn trong các lĩnh vực có liên quan. Hơn thế nữa, hiện tại có nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn cần được thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách mới. Ví dụ, sau hơn 1 năm thực hiện chính quyền đô thị, thành phố đã xác định được các cơ chế, chính sách cần được thể chế hóa để tạo nền tảng cho sự phát triển của TP. Thủ Đức cũng như nhận thấy một số bất cập cần được Quốc hội điều chỉnh. Hoặc với khung thể chế hiện tại, việc xây dựng Đề án phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố chưa khả thi…
Trong bối cảnh như vậy, cần thiết phải có ngay, có sớm một Nghị quyết mới với những cơ chế, chính sách thực sự đột phá cho TP. Hồ Chí Minh. Điều này vừa để tránh sự đứt gãy cơ sở pháp lý (thời hạn áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14 chỉ kéo dài hết năm nay), vừa tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực và phát triển mạnh mẽ trở lại, đóng góp nhiều hơn cho đất nước và hiện thực hóa những mục tiêu Bộ Chính trị, Quốc hội đặt ra.