Ngân hàng Nhà nước vừa có Công văn55/NHNN-TD về việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Công văn này gửi đến 9 ngân hàng thương mại gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, TPBank, Techcombank, VPBank, MB, HDBank.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng thương mại không phải tính dư nợ cho vay các nhóm thuộc chương trình cho vay nhà ở xã hội mà các ngân hàng đã đăng ký tham gia với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm. Hiện nay, 9 ngân hàng thương mại trên đăng ký tham gia gói tín dụng này với 145.000 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện chính sách này tối đa đến năm 2030, doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình. Trường hợp ngân hàng thương mại không có nhu cầu thực hiện chính sách này thì có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 15.1.2025 để theo dõi, tổng hợp.
Định kỳ hằng tháng, các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình cho vay đối với khách hàng thuộc chương trình cho vay nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện theo các cam kết tham gia chương trình về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với nhóm người và mục đích vay vốn; phối hợp với các dự án xây dựng đủ điều kiện cho vay để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của những khoản cho vay hỗ trợ nhà ở. Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại đối với dư nợ của những khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định là 4,7%/năm, giảm 0,1% so với năm trước.
Để có thêm nguồn lực cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã soạn thảo để trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói ưu đãi cho vay nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.